Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp , giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể.

 

 

Trong đậu đen có chứa nhiều sinh tố A, B, C, PP, protit, gluxit, lipit, muối khoáng. Hàm lượng axit amin cần thiết trong đậu đen rất cao gồm: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin… do đó đậu đen được xem như một loại thuốc bổ. Ngoài ra, còn một nhóm chất rất quan trọng tạo màu sắc đỏ tím cho lớp vỏ ngoài của đậu đen được gọi là anthocyanidin, đây là nhóm chất có tác dụng kháng oxy hóa tế bào rất cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào.

Vì vậy, đậu đen không chỉ tốt cho người già, trẻ em, phụ nữ mà nam giới sử dụng cũng tăng cường chức năng của thận, bổ tinh, ích huyết, chữa liệt dương, tai ù, huyết áp cao.

Đậu đen có thể chế biến những món dưới đây:

Chè đậu đen hoặc nấu nước uống để thanh lọc cơ thể: Mỗi ngày từ 20 – 40g. Chè đậu đen, đại táo mỗi loại 30g, nấu chung ăn liên tục trong 3 – 4 ngày. chữa suy nhược,

Canh nước dừa, đậu đen chữa đau nhức ở các khớp xương hoặc ngộ độc rượu lâu ngày: Lấy một quả dừa xiêm nhỏ không già quá, vạt đầu, rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại sau đó đem chưng cách thủy khoảng 3 – 4 giờ cho đậu nhừ rồi đem ra uống nước, ăn cái, mỗi tháng chỉ cần ăn 1 – 2 lần là đủ, các khớp xương sẽ cử động nhẹ nhàng linh hoạt hơn.

Canh đậu đen với tỏi chữa người mệt mỏi, tiểu tiện bí táo: Lấy một củ tỏi rửa sạch, đập dập múi tỏi, không làm nát quá, cho vào nồi chung với 1/2 chén đậu đen đã rửa sạch, nấu lửa nhỏ đến khi đậu mềm rồi nêm chút đường muối cho vừa miệng rồi ăn, mỗi ngày ăn một lần lúc sáng sớm sẽ tốt cho người bệnh.

Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm: Lấy 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng dần, dạng nước sắc mỗi ngày 15 – 20g hoặc 5g dạng bột.

Đậu đen rất bổ, tuy nhiên chỉ thích hợp cho người ở tạng nhiệt (người nóng), còn đối với người thể hàn khi chế biến nên thêm vài lát gừng sẽ tốt hơn. Chú ý khi chế biến cần đun lâu, kỹ vì như vậy hoạt chất trong vỏ mới thoát ra ngoài và dịch chiết có màu đỏ tím, đó chính là màu của anthocyanidin, chất này giúp tăng cường tác dụng tốt của đậu đen cho cơ thể. Ngoài ra, cần nấu cho đậu đen chín nhừ sẽ dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.

Theo DS Lê Kim Phụng ( Sức khỏe & Đời sống )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *