Khoai lang có giá trị dinh dưỡng như thế nào? Có thể thay thế khoai lang cho bữa ăn chính của trẻ? Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ cùng bạn đọc những thông tin thú vị về giá trị đích thực của loại khoai này.
Giá trị dinh dưỡng của khoai lang
Phân tích thành phần dinh dưỡng trong khoai lang cho thấy có rất nhiều tinh bột, một ít đạm (acid amin), beta carotene, vitamin C, B1 và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe con người như canxi, phospho, kẽm, sắt, magie, natri, kali,…
Khoai lang có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Về dinh dưỡng, khoai lang được xem là một loại lương thực, thực phẩm tốt cho việc đa dạng chất bột đường trong khẩu phần, hỗ trợ quá trình tiêu hóa vì chúng rất dễ tiêu và chứa nhiều chất xơ giúp nhuận trường. Khoai lang chứa rất ít chất béo và không có cholesterol. Năng lượng của khoai lang cũng tương đương khi so với cơm hay khoai tây. Nếu chúng ta ăn bổ sung hay ăn dặm thêm khoai lang sẽ là cách cung cấp thêm bột đường và năng lượng trong trường hợp ăn cơm ít và chậm tăng cân ở trẻ.
Tuy nhiên, như bất cứ thực phẩm nào, tác dụng của khoai lang cũng có hai mặt nếu sử dụng không hợp lý. Ăn khoai lang rất thuận lợi cho quá trình tiêu hóa thức ăn cũng như ngăn ngừa táo bón, nhưng nếu lạm dụng, ăn quá nhiều cũng có thể gây thừa cân béo phì do thừa đường hoặc đầy bụng khó tiêu.
Chưa có nghiên cứu chứng minh khoai lang chữa biếng ăn
Có khá nhiều bà mẹ truyền tai nhau rằng cho trẻ ăn khoai lang có thể chữa được bệnh biếng ăn. Tuy nhiên, bác sĩ Yến Thủy cho biết đây chỉ là thông tin truyền miệng, chưa có nghiên cứu nào tổng hợp kết quả này. Trong trường hợp nếu có trẻ ăn nhiều hơn khi thực đơn của bé được bổ sung thêm món khoai lang thì có thể do bé ăn thấy ngon, hợp khẩu vị, lạ miệng hoặc có thể cơ địa và khả năng tiêu hóa của bé thích hợp với khoai lang.
Đa dạng phương pháp chế biến
Khoai lang có thể dùng để thay thế một phần cơm, bún, phở… trong bữa ăn chính (với điều kiện trong bữa chính đã có đủ đạm, béo, rau…) hoặc làm bữa ăn phụ xen giữa các bữa chính của trẻ.
Trong quá trình sử dụng, có thể chế biến khoai bằng nhiều cách: cắt nhỏ hấp cơm, luộc, nướng, chiên, lùi tro, phơi khô rồi luộc chín ngào với đường,… giúp món ăn đa dạng, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, riêng với trẻ béo phì, phụ huynh nên chọn phương pháp hấp hay luộc, hạn chế món khoai chiên.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên cho trẻ ăn khoai lang sống vì khó tiêu hóa và không đảm bảo vệ sinh, dễ nhiễm bệnh giun sán.
Theo PNO