Gan mật là “công xưởng” điều tiết quá trình hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Bác sĩ Lê Hữu Phước (Phó khoa Ngoại gan mật – Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) đã tư vấn các cách “bảo dưỡng” gan mật như sau.

     

    Người bị cắt một phần gan nên kiêng gì?

    Gan là cơ quan đảm nhiệm tới trên 500 chức năng khác nhau trong cơ thể. Gan giải độc cho cơ thể, tham gia vào các quá trình chuyển hóa, điều hòa hệ tiêu hóa và việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Gan cũng “phụ trách” việc cân bằng giữa các chất đường, đạm, mỡ, giúp cơ thể có được điều kiện sức khỏe tốt nhất.

    Sau khi cắt một phần lá gan, bệnh nhân nên ăn nhiều bữa, tránh ăn quá no, không ăn những thức ăn khó tiêu nhiều gia vị, dầu mỡ. Nên uống nhiều nước, không uống bia rượu, cà phê, thuốc lá. Hạn chế dùng thuốc, nếu buộc phải dùng thuốc nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

    Người gan yếu về cơ bản vẫn phải ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng. Việc bổ sung chất đạm là cần thiết, vì đạm giúp cơ thể nhanh phục hồi và có tác dụng chống đỡ lại bệnh tật, cho tế bào gan tăng trưởng và phục hồi. Nên ăn các chất đạm có nguồn gốc thực vật như đậu xanh, đậu nành và từ tôm cá… Nên uống thêm một số thuốc bổ bổ sung vitamin và khoáng chất. Các chất đa sinh tố, axit folic cũng được khuyến khích sử dụng, nhất là trong những trường hợp viêm xơ gan do rượu. Người bệnh gan nên giảm bớt thức ăn có chất béo, cholesterol và đường, tránh tuyệt đối bia rượu.

    Chế độ ăn cho người bị cắt túi mật

    Gan là nhà máy sản xuất ra dịch mật: một phần được đưa xuống đường mật chính, một phần được dự trữ trong túi mật. Đến bữa ăn, túi mật co bóp, đẩy dịch mật vào ruột cùng với dịch mật trong đường mật chính để tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất béo.

    Do đó, khi túi mật bị cắt bỏ, lượng mật bài xuất vào đường tiêu hóa trong mỗi bữa ăn có phần bị giảm sút, từ đó làm giảm khả năng tiêu hóa chất béo. Vì vậy, sau mổ cắt túi mật, trong giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy rất dễ đầy hơi, khó tiêu, nhất là đối với bữa ăn nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân có thể ăn uống trở lại bình thường nhưng ăn làm nhiều bữa, không nhịn ăn sáng, hạn chế các loại chất béo khó tiêu, ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ.

    Người bệnh sỏi mật kiêng ăn gì?

    Sỏi mật gồm hai loại là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật (có liên quan đến nhiễm ký sinh trùng đường ruột). Sỏi mật gây các tác hại: ứ trệ mật, làm cho mật không xuống ruột để tiêu hóa thức ăn; sự tắc nghẽn dịch mật trong đường mật chính sẽ gây ứ mật trong gan và túi mật gây đau, nhiễm trùng. Phẫu thuật chỉ loại bỏ sỏi chứ không ngăn được sỏi tái phát.

    Biện pháp ngăn ngừa sỏi tái phát: Hạn chế ăn những thức ăn giàu cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật (tim, gan, óc, cật…); hạn chế các loại chất béo như da, mỡ động vật. Tăng cường nhu động cho đường mật bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, thường xuyên vận động cơ thể như đi bộ, chạy, tập dưỡng sinh…

    Theo Phi Nguyễn ( Phunuonline )

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *