Hằng năm khi cua đồng vào mùa sinh sôi phát triển không chỉ đem đến niềm vui cho cuộc mưu sinh của những số phận khó nghèo mà còn ban tặng những món ăn ngon, dân dã cho cư dân vùng đất đồng bằng, nào là luộc, nấu cháo, rang me rồi đến các món canh từ dân dã đến cầu kỳ. Bên cạnh những món canh cua thân quen nấu với rau tập tàng, mồng tơi hay mướp hương thì còn một món canh cũng mang đậm chất đồng quê đó là canh cua rau nhút.

 

 

Những ngày này, mưa như trút nước, trên những cánh đồng lúa trơ gốc rạ dễ làm mọi người nhớ về hình ảnh mấy đứa nhỏ nhà quê hè hụi rủ nhau xách thùng, cầm cù ngoéo đi thụt hang bắt cua đồng. Ít thì đem về cho mẹ nấu canh, còn nhiều thì đem cân bán như thế này, nhờ thế mà người dân thành thị cũng có lộc ăn.

Không chỉ dễ kiếm cua đồng, mà ở các chợ miền Tây, thời điểm này cũng đầy rẫy các loại rau mùa lũ, trong đó phải kể đến món rau nhút sở hữu cái hương thơm đặc trưng hơn thảy. Mưa nhiều, ao rau nhút nào cũng xanh mướt, tươi non, sợi nào sợi nấy phao dài, mập ú. Ở chợ thì tốn tiền mua, chứ nhà nào ở vườn thì xách thùng, xách rổ ra đồng, ra mương mất công một tí là đầy cua, đầy rau, mặt sức nấu canh.

Mùa này cua đồng đủ cỡ, cua non rang me, cua lột là món khoái khẩu cho tụi con nít; còn cua cỡ vừa nhiều thịt thì được các chị, các mẹ trổ tài nội trợ bằng cách nấu cháo hay nấu canh như thế này. Cũng có lẽ vì nguyên liệu gần gũi, dân dã quê nhà, lại là  đặc sản vùng sông nước nên người dân nơi đây vẫn được ưa chuộng các món ăn này dù không phải xuất xứ ở miền Nam. Đây chính là một trong những minh chứng cho sự giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các vùng miền.

Anh Lê Nguyễn Trí Dũng, Phường 4 – Thành phố Vĩnh Long cho biết: “Món cua đồng nấu rau nhút là một món ăn của miền Bắc, đó giờ rau nhút thì mình nghĩ là nấu canh chua, nhưng ở đây rau nhút được kết hợp với cua, khoai môn thì chúng ta nấu thành món canh ngọt, đặc biệt hơn là trong mùa nước nổi ở dưới đây hay có cua nhiều, bên cạnh đó cũng có các loại rau đồng, chẳng hạn như rau nhút.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích dùng khoai môn để nấu món này mà nhiều người, đặc biệt là cư dân miền Bắc chuộng nấu bằng khoai sọ bởi chúng vừa dẻo, vừa bùi lại rất thơm ngon.

Dù rằng đơn giản trong nguyên liệu nhưng vẫn có hơi cầu kỳ trong khi chế biến món canh này, nhất là công đoạn tách, đâm và lược cua. Đặc biệt, để giữ được mùi vị đặc trưng của gạch cua thì các bà nội trợ hay truyền tai nhau một bí quyết là không nên dùng tỏi mà thay vào đó là hành phi. Thêm vào đó, người đứng bếp cũng phải nấu sao cho khéo để từng váng cua kết dính lại với nhau, không chỉ tạo màu nâu trong đẹp mắt mà còn làm nên hương ngọt ngào cho nồi canh cua rau nhút. Và quan trọng là đừng để rau nhút chín quá vừa dai, lại vừa mất đi màu xanh tươi non vốn có kém ngon.

Trong cái lạnh của những ngày mưa rả rích, có được tô canh cua rau nhút nóng hổi thì còn gì bằng. Từng váng cua ngọt mềm, tựa như chưa đưa đến môi đã trôi đến cổ; từng sợi rau giòn, thơm như quyến rũ mọi người bên cạnh cái vị bùi bùi, dẻo dẻo của khoai; húp một muỗng canh với hương hành, ngò đưa đẩy cộng thêm vị cay cay ấm nồng của ớt, vừa lạ miệng cũng vừa rất đỗi gần gũi, thân quen, như đưa chúng ta trở về miền ký ức tuổi thơ với câu hát ru ầu ơ ví dầu của mẹ “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn cua”./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *