BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết, có những thực phẩm là món khoái khẩu của người Việt Nam, nhưng nếu không biết cách chế biến người ăn dễ bị ngộ độc.

     

    Một trong những thực phẩm cần cẩn trọng khi ăn là măng. Măng là nguyên liệu để làm nhiều món ăn ngon như măng tươi xào, măng khô nấu canh, bún măng vịt, măng ngâm giấm…

    Măng chứa nhiều chất xơ, nhưng măng càng già, thành phần dinh dưỡng càng thấp, nhất là măng khô. Đặc biệt, trong măng có chất độc tên gọi là glucozit sinh acid xyanhydric. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng acid xyanhydric. Ở người lớn, chỉ cần ăn phải 20mg acid xyanhydric đã có thể bị ngộ độc.

    Tùy lượng chất độc ăn phải mà mức độ gây ngộ độc cũng khác nhau. Thông thường, nếu bị ngộ độc chất acid xyanhydric từ măng, nạn nhân sẽ có triệu chứng lạ sau khi ăn từ năm cho tới 30 phút. Các triệu chứng ngộ độc măng nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn; nặng hơn, nạn nhân sẽ co giật, tím tái, hôn mê, trầm trọng nữa có thể bị rối loạn nhịp tim và có nguy cơ tử vong.

    Tuy nhiên, theo BS Thủy, không nên quá hoảng sợ, vì nếu biết chế biến và ăn với lượng vừa phải thì những món từ măng vẫn an toàn và ngon. Trước khi ăn măng tươi, phải luộc, bỏ nước vài lần để tránh ngộ độc. Acid xyanhydric là chất hòa tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng.

    Tương tự như măng, khoai mì hay còn gọi là củ sắn cũng chứa acid xyanhydric. Lượng độc tố này tồn tại trong lá và củ sắn. Ngộ độc sắn vì ăn sắn chế biến chưa đúng cách cũng là một nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.

    Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho thấy, ngộ độc sắn chiếm tỷ lệ 10% trong số ca ngộ độc thức ăn. Để loại bỏ độc chất của củ sắn trước khi ăn, theo BS Thủy cần phải bóc hết lớp vỏ ngoài, cắt bỏ hai đầu củ sắn rồi ngâm trong nước 20-30 phút. Khi dùng, rửa sắn thật kỹ và nếu luộc, phải mở vung nồi cho chất độc bay hơi.

    Một loại thực phẩm chứa độc thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người dân Việt là cà pháo. Ông bà ta đã nhắc nhở “một quả cà bằng ba thang thuốc” vì trong thân, lá, hoa và quả cà pháo có chứa một ít chất độc là glycoalkaloids (loài cà nào có vị đắng nhiều, lượng chất độc càng cao).

    Trong cà tươi, hàm lượng chất này cao gấp 5-10 lần so với mức an toàn. Vì thế, ăn nhiều cà pháo tươi dễ bị ngộ độc. Khi nấu chín hoặc muối chua, chất độc trong quả cà còn không đáng kể.

    Theo BS Yến Thủy, với một số loại rau củ tươi chứa độc chất, cần chế biến đúng cách để loại bỏ chất độc trước khi ăn, tránh gây hậu quả đáng tiếc. Mọi người có thói quen ăn nhiều một số món hoặc ghét, không thể ăn một số món nào đó, tuy nhiên, những ai quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng sẽ biết, ăn đa dạng thực phẩm mới là tốt nhất. Không nên ăn nhiều quá một loại thực phẩm và cũng đừng kiêng hẳn một món nào đó để tránh bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

    Theo Bảo An ( Phunuonline )

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *