Hằng năm, cứ đến khoảng tháng 7 âm lịch, mùa nước nổi lại về trên khắp vùng châu thổ. Con nước không chỉ chở nặng phù sa vun đắp cho những bãi bồi quê hương mà còn ôm ấp trong mình nó một loại sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đó là cá linh được người dân vùng đồng bằng chế biến thành nhiều món ăn như:cá linh chiên giòn, cá linh kho tiêu, lẩu cá linh nấu bông điên điển…
Lũ về, cũng là lúc người người chộn rộn đón lộc ăn từ những sản vật dồi dào của thiên nhiên. Lúc ấy, những chú cá linh dường như là món quà được trông đợi nhất, bởi thế mà thứ “cá nhà nghèo” này lại chẳng hề kém cạnh bất kỳ món cao lương mỹvị nào. Cá linh non , con nhỏ bằng ngón tay út, mình tròn núc ních, vảy trắng bạc nhảy tung tóe. Dân sành ăn thường rất nóng lòng chờ loại cá linh đầu mùa bởi chúng còn non, ngọt thịt, béo, mà chế biến cũng thật nhanh gọn, chỉ cần bỏ một ít ruột ở bụng hoặc ai đó cẩn thận hơn có thể tỉa mỏ, đuôi để những chú cá linh trở nên gọn gàng, tươm tất.
Là một trong hai nguyên liệu chính của món ăn, người đứng bếp phải cất công tuyển cho được những lá giang vừa ăn không quá già cũng không quá non rồi trước khi đưa lên bếp còn cẩn thận vò dập, cốt lấy cho hết cái hương vị chua giòn đặc trưng của lá.
Chị Trịnh Thị Lùng phường 4, TP. Vĩnh Long cho biết:“ Gia đình tôi đến mùa nước lũ là luôn luôn phải ăn được một bữa cá linh. Mà cá linh non thì nó có đầy đủ các chất dinh dưỡng, mềm mại, dễ ăn. Cá linh kho với lá giang có hương vị vô cùng đặc sắc, thay vì mình kho lạt như vậy rồi nặn chanh vô ăn thì cái vị của chanh nó chua thét, không có mặn mà, đậm đà như lá giang, mình kho lá giang có đặc trưng là ngọt ngọt, chua chua, ăn rất là hấp dẫn, ăn với rau, bún, cơm để cải thiện bữa ăn gia đình.”
Bí quyết nhà nghề dành cho món này không đâu xa,đó là các mẹ, các chị đứng bếp nhà mình thường tự tay thắng nước màu kho cá sao cho vừa phải và ưu tiên cho lá giang vào trước. Chẳng mất nhiều thời gian, từng đám lá giang cứng cọng, xanh bóng giờ đã chuyển sang màu vàng nhạt, nằm mềm mại trong chảo kho sắc nước. Đóm lửa liêu riêu làm các chú cá linh non thân trắng bàng bạc ngấm vào da thịt nước kho cá thơm lừng lúc chìm, lúc nổi, lấp ló bên mớ lá giang vừa chín tới.
“Cá linh kho lá giang” như một sự kết hợp tuyệt hảo giữa cái tươi ngon của thịt cá cùng vị chua thanh ngọt của lá giang còn đọng lại vừa kịp cho ta lùa thêm miếng bún có rưới sẵn một ít nước cá kho vừa miệng. Món ăn tuy dân dã nhưng cũng đủ sức làm dậy lên các giác quan cho ta vừa gật gù thưởng thức vừa cảm nhận hết hồn quê chan chứa. Để rồi những lúc nghe tin lũ về, lòng những đứa con xa xứ lại mong ngóng lên chốn An Giang, Đồng Tháp tìm lại ký ức với từng đàn cá linh năm nào. Đâu đó lại bất chợt cất lên câu ca dao quen thuộc:
“ Nước không chưng sao kêu nước đứng
Cá không thờ sao gọi cá linh”… ./.
Phương Quỳnh