Xin đừng gác máy

(THVL) Điện thoại vốn dĩ được xem như một vật dùng để liên lạc, để trang trí, thế nhưng ít ai biết điện thoại di động còn có một khả năng cứu người. Khả năng ấy được thể hiện qua bộ phim “Xin đừng gác máy”.

Grace là kỹ sư máy tính thông minh và xinh đẹp, sống cùng cô con gái nhỏ. Một ngày nọ, trên đường về nhà sau giờ làm việc cô bị bọn bắt cóc giam giữ ở một khu rừng hoang và dùng đứa con gái bé nhỏ để uy hiếp cô. Thứ duy nhất để cô có thể nối kết với bên ngoài chính là chiếc điện thoại di động đã bị hỏng. Grace kết nối những linh kiện lại và hồi hộp bấm số.Chiếc điện thoại của cô chỉ có thể gọi đến một số điện thoại và thực hiện được một cuộc gọi duy nhất! Và Grace đã nối kết được với một người đàn ông.

Người đàn ông ấy tên Bob. Bob là một ông bố độc thân, dễ mến nhưng lại làm cái nghề không mấy thiện cảm: đòi nợ mướn. Khi nhận được cú điện thoại từ Grace (một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ với anh), Bob hoang mang không biết hai mẹ con người phụ nữ kia có thật sự tồn tại không? Có thật là người phụ nữ tội nghiệp kia đang đối đầu với nguy hiểm hay đó chỉ là một trò đùa ác ý của những kẻ rỗi hơi?

Nhưng rồi, bằng linh cảm và bằng nghĩa khí của một con người không thể làm ngơ trước sự sống còn của người khác, Bob đã không ngần ngại dấn thân vào sự nguy hiểm để mong cứu thoát được hai mẹ con người phụ nữ xấu số kia. Tuy nhiên, xui rủi thay khi Bob chỉ nhận được một cú điện thoại của Grace vì điện thoại của anh sắp hết pin!

Tất cả chỉ dễ dàng hơn khi vô tình Bob lôi kéo được anh cảnh sát giao thông Fai dũng cảm, thông minh, cương trực vào cuộc giải cứu con tin đầy khó khăn này. Vượt qua tất cả những nguy hiểm, lần mò theo những tín hiệu chập chờn từ chiếc điện thoại sắp hết pin, họ đã tìm được hai mẹ con Grace và cũng từ đây một bí mật rợn người về các thế lực đen tối dần hé mở khiến Fai – chàng cảnh sát rất mực yêu nghề – không thể tin vào cái sự thật đang bày ra trước mắt …

“Xin đừng gác máy” là bộ phim được làm lại từ bộ phim bom tấn của Hollywood “Cellular” của đạo diễn David R. Ellis. “Cellular” đã từng nhận được 2 đề cử dành cho phim khoa học, giả tưởng và hành động của Viện Hàn Lâm Mỹ và đề cử cho giải thưởng Trailer Vàng (Golden Trailer Awards).

Mất hai năm để đạo diễn Trần Mộc Thăng chuyển thể kịch bản sao cho phù hợp với phong tục và văn hóa của người Trung Quốc. Sự đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản đến kinh phí lại thêm sự diễn xuất hết mình của các diễn viên, đặc biệt là Cổ Thiên Lạc khiến bộ phim “Xin đừng gác máy” trở nên gần gũi với người phương Đông hơn nhưng cũng không hề suy giảm sự hấp dẫn so với bản gốc của bom tấn Hollywood.

Xem phim khán giả sẽ tận mắt chứng kiến 20 chiếc ô tô va chạm thật ấn tượng và một chiếc ô tô 8 chỗ vỡ nát … kinh phí làm phim đã phải chi tới 90% cho những pha hành động mạo hiểm này. Riêng Cổ thiên Lạc cũng đích thân đóng những cảnh nguy hiểm mà không cần cascadeur! “Xin đừng gác máy” còn có sự tham gia hùng hậu của một dàn “sao” quy tụ từ ba đại lục. Bên cạnh Cổ Thiên Lạc, Từ Hy Viên, Lưu Diệp còn có sự tham gia của các diễn viên: Trương Gia Huy, Trương Triệu Huy, Phàn Thiếu Hoàng, Trần Tuệ San … Bộ phim sẽ chính thức khởi chiếu tại các rạp chiếu phim ở Việt Nam vào ngày 7/11/2008.

Kathy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *