Điều ít người biết đến là loài gà hoàn toàn thông minh, có khả năng thể hiện cảm xúc.

Sinh vật nhỏ bé yếu đuối này hoàn toàn xứng đáng được bảo vệ một cách cơ bản để chúng có thể sống theo ý muốn – theo cuộc nghiên cứu "Con gà thông minh" mới được tiến hành ở Mỹ.

Lâu nay, hễ nói đến gà, chúng ta chỉ quan tâm đến khía cạnh đây là vật nuôi để lấy thịt và trứng. Thịt gà là nguồn cung cấp đạm động vật phổ biến hiện nay trên thế giới, chứa nhiều dưỡng chất mà cơ thể người có thể hấp thụ dễ dàng. Ngoài đạm, chất béo – đặc biệt là omega-3, thịt gà còn có nhiều vitamin và muối khoáng như vitamin A, B1, B2, C, E, can-xi, phốt-pho, sắt…

Theo website Healthy Pets, riêng ở Mỹ mỗi năm tiêu thụ 8 tỉ con gà và điều đáng nói là đa phần số gà này sống cuộc đời ngắn ngủi trong các điều kiện mất vệ sinh, đông đúc và… độc ác. Việc chăn nuôi gia cầm theo kiểu thâm canh như vậy gây tác động tiêu cực đối với môi trường và hơn hết là ác nghiệt đối với loài gà, đặc biệt là khi chúng ta thậm chí làm tổn thương khả năng bộc lộ cảm xúc và nhận biết của loài gia cầm này.

Hy vọng rằng những thông tin dưới đây nhiều khả năng từ giờ trở đi sẽ làm thay đổi cách đối xử của chúng ta với con vật này.

1. Gà có thể tinh ranh hơn em bé mới biết đi

Cuộc nghiên cứu “Con gà thông minh" cho thấy loài gà có nhiều khả năng mà chỉ trẻ em từ 4 tuổi trở lên mới có thể thực hiện hoàn chỉnh được. Chẳng hạn, phân biệt các con số đến 5 và biết suy luận kiểu như nếu A lớn hơn B và B lớn hơn C, có nghĩa là A lớn hơn C.

Ngoài ra, loài gà cũng cho thấy năng lực tự chủ, được thể hiện qua khả năng trì hoãn sự hài lòng (như khước từ đồ ăn lúc này để sau đó nhận được nhiều thực phẩm hơn).

Thêm vào đó, chúng còn thể hiện tính linh hoạt về hành vi, có thể sử dụng ánh nắng mặt trời lúc mới 2 tuần tuổi, có một số hiểu biết về vật lý và thậm chí có khả năng hoạch định trước và bộc lộ sự thấu cảm.

2. Gà có ngôn ngữ riêng

Loài gà phát ra ít nhất 30 âm thanh, chẳng hạn như "cục", "cục tác", "quác"… Chúng phát ra những âm thanh khác nhau nhằm gây chú ý, khi tìm thức ăn hoặc cảnh báo về các con vật sát thủ (các âm thanh thậm chí còn phân biệt sát thủ biết bay hay sát thủ trên mặt đất)…

Các chuyên gia cho biết gà mẹ bắt đầu trò chuyện với gà con bằng giọng nói dịu dàng khi chúng còn ở trong trứng. Nếu như ghé sát tai vào quả trứng đang ấp, chúng ta có thể nghe thấy tiếng "chiêm chiếp" phát ra từ bên trong.

3. Gà biết cảm thông và chia sẻ

Gà mái có khả năng thể hiện những dấu hiệu bộc lộ nỗi đau buồn và lo lắng khi đàn gà con của chúng rơi vào tình trạng căng thẳng. Điều đó cho thấy loài gia cầm này "sở hữu ít nhất một trong những thuộc tính nền tảng của sự đồng cảm" – tức khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng cảm xúc của kẻ khác.

4. Gà cũng ngủ mơ

Kiểu ngủ của gà rất giống với kiểu ngủ của loài động vật có vú (mặc dù kiểu cách ngủ của chúng gần gũi với loài bò sát và lớp lưỡng cư hơn). Gà cũng có giai đoạn ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) – tức đôi mắt đảo từ bên này sang bên kia, giai đoạn xảy ra giấc mơ, mặc dù nó chỉ diễn ra mỗi lần vài giây (so với vài phút đến 1 giờ ở con người).

5. Gà "kén chọn" bạn tình

Khi chọn bạn tình, gà mái có xu hướng thích con gà trống có mào đỏ tươi nhất, lớn nhất – được xem là dấu hiệu chỉ tình trạng sức khỏe của chàng gà. Ngoài ra, các nhà chuyên môn cho rằng mẩu thịt màu đỏ nhỏ bên dưới mỏ của gà trống là công cụ thu hút sự chú ý trước tiên đối với các nàng gà.

Điều thú vị là, gà mái có thói quen giao phối với một số gà trống vào cùng một khoảng thời gian nhưng chúng có khả năng độc đáo là đẩy tinh dịch của các chú gà trống thấp kém ra ngoài cơ thể sau khi giao phối… để bảo đảm rằng gien di truyền của nàng sẽ chỉ kết hợp với chàng gà nào gây ấn tượng mạnh nhất.

6. Gà sống trong thế giới phức tạp

Gà thông minh hơn và có tính xã hội hơn nhận thức của nhiều người. Chẳng hạn, khoa học đã cho thấy loài gà sử dụng những hình thức giao tiếp phức tạp cao độ, tương tự động vật linh trưởng và loài quạ.

Ngoài ra, gà còn biết tự đánh giá và tự so sánh bản thân với các thành viên khác trong nhóm; nhận ra đến 100 cá thể qua đặc điểm hình thể cũng như nhận thức được tình trạng xã hội của các cá thể này; phối hợp các hoạt động nhóm, như tìm thức ăn và làm ổ; nhớ lâu các sự kiện, giữ lại và áp dụng những điều học được trong quá khứ; thể hiện các cảm xúc như đau buồn, sợ hãi, hăng hái và chán nản; tìm kiếm niềm vui thích như nghịch đất và tắm nắng.

Theo NLD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *