Tất cả các loài rắn và thằn lằn đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chúng có cùng tổ tiên và cùng thuộc họ bò sát. Ngày nay chỉ còn lại không đến 4 ngàn loài thằn lằn sống trên hành tinh xanh của chúng ta.
Thông qua kỹ thuật hiện đại của máy quét, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, các khoang bên trong đầu con rồng Komodo có tuyến nọc độc.
Để hiểu thêm về cơ chế hoạt động của tuyến nọc độc, các nhà khoa học thử cho một con rồng Komodo cắn một mẩu vật để xem áp lực cắn truyền dọc theo hàm của nó như thế nào. Khi hàm cắn chặt lại, nó sẽ ép nọc độc ra ngoài. Loài rồng Komodo không có phần cơ ép tuyến độc như loài rắn,vì thế, nọc chỉ rỉ ra một chút. Nọc độc của con rồng Komodo ảnh hưởng đến sự đông máu của con mồi.
Nếu nhìn vào hàm dưới của rồng Komodo, chúng ta có thể thấy có một phần phình ra – đó là tuyến nọc độc. Nếu bạn muốn tìm hiểu điều đó trên các cuốn sách giải phẫu cũ về loài bò sát, hẳn sẽ không thấy bất kỳ thông tin nào ghi chép về nó cả. Nhưng nếu quan sát một con rồng Komodo thật thì phần phình to đó là một cấu trúc rõ ràng. Khi tấn công con mồi, nọc độc sẽ phát huy tác dụng lên huyết áp con mồi, làm cho con vật không ngừng chảy máu và khiến huyết áp của con mồi giảm nhanh. Khi huyết áp suy yếu, con mồi sẽ nhanh chóng ngã gục.
Tổ tiên của loài rồng Komodo đã tiến hóa trong một thời gian dài trước khi trở thành loài rồng Komodo như hiện nay. Trước đây, loài thằn lằn khổng lồ này đã trải qua hàng triệu năm săn bắt các loài động vật to lớn ở Australia. Thực tế là chúng ăn cả loài thú rừng có túi to lớn như gấu túi Wallaby và nhiều loài động vật kì lạ mà ngày nay không còn tồn tại trên quần đảo Komodo. Theo thời gian, nọc độc của chúng phát triển thành một loại độc tố chống lại sự đông máu. Khi một con rồng Komodo tấn công và giết chết một con chuột túi lớn, nọc độc là yếu tố cần thiết vì con mồi của chúng to lớn và khỏe mạnh.
Hành trình tiến hóa phi thường của loài rồng Komodo kéo dài hàng triệu năm. Loài bò sát này được xem là kẻ săn mồi hàng đầu ở Australia trong thời tiền sử. Hiện nay, chúng sống như những kẻ trôi dạt trên những hòn đảo xa xôi. Chúng thích ứng khá tốt trên đảo, giống như chính chúng đã tạo ra những hòn đảo đó vậy.
Rồng Komodo từng được cho là bị điếc và thị lực rất yếu nhưng các nhà khoa học lại cho biết, chúng có thị lực tuyệt vời và có thể nghe rất rõ những âm thanh xung quanh. Khi nghiên cứu loài rồng Komodo sống trong môi trường nuôi nhốt, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, chúng là loài thằn lằn rất thông minh. Người ta dễ dàng huấn luyện chúng như huấn luyện một con vật nuôi trong nhà.
Khi loài rồng Komodo giao phối trông giống như chúng đang đánh nhau. Tuy nhiên, một số ít con rồng Komodo biết sinh sản vô tính. Nó tự thụ thai, trứng được sản xuất ra rất khỏe mà không cần sự tác động của con đực. Trước đây, chúng ta không hề biết điều này ở rồng Komodo.
Hồng Hậu