Các ông bố thuộc loài cá ngựa, cú sừng, chim hồng hạc, cáo đỏ… được coi là “người chồng mẫu mực, người cha thương con”.
Cú sừng
Cú sừng lớn là loài phổ biến nhất ở khu vực Bắc và Nam Mỹ. Cú sừng lớn được mệnh danh là một “người chồng”, “người cha” vô cùng chăm chỉ. Vào thời điểm cuối đông, trong khi những “chị” cú nằm thu lu trong tổ để ấp trứng, những “ông chồng” này sẵn sàng xông pha khắp mọi nơi để kiếm thức ăn cho cả hai. Khi những con cú con ra đời, trách nhiệm của “người cha” càng thêm phần nặng nề, phải tìm thức ăn để nuôi thêm từ hai đến ba miệng ăn nữa.
Chim hồng hạc
Chim hồng hạc không chỉ là một “người chồng” rất yêu vợ mà còn là một “ông bố” rất chu đáo. Loài chim này sống tụ tập theo đàn, có thể lên đến hàng trăm nghìn con, nhưng vẫn rất “chung thủy” với lối sống “một vợ một chồng”. Ngoài ra, chúng đi tìm nơi làm tổ theo sự chỉ dẫn của vợ, rồi cùng nhau xây tổ, thay nhau ấp trứng cũng như bảo vệ tổ.
Cáo đỏ
Cáo đỏ là một “ông bố” tuyệt vời, rất yêu thương các con. Không chỉ giữ trọng trách mang thức ăn về cho cả nhà, cáo đỏ còn rất thích chơi đùa với các con. Thông thường, sau 3 tháng, những chú cáo con phải tự đi kiếm thức ăn. Tuy nhiên, cáo cha không muốn các con mình bị đói, cáo cha giấu thức ăn ở gần nơi sống và dạy cáo con cách đánh hơi.
Đà điểu Rhea
Đà điểu Rhea cỡ lớn đến từ Nam Phi. Khi mùa giao phối đến, đà điểu đực xây tổ và có thể giao phối với cả thảy 15 con cái. Sau đó, những con cái này sẽ đi tìm bạn tình khác và đà điểu cha ở lại ấp trứng (từ 25 – 50 trứng). Trong vòng 6 tuần đầu, đà điểu cha có thể ăn rất ít và chẳng mấy khi rời khỏi tổ.
Cá ngựa
Cá ngựa là loài duy nhất trên trái đất mà con đực mang thai và ấp trứng thay cho con cái. Những con đực được trang bị một túi ấp trên bụng, khi giao phối, những con cái sẽ gửi trứng vào đây, và con đực tự thụ tinh. Khi cá ngựa con nở, chúng vẫn ở trong túi ấp của người cha. Cá ngựa con sẽ tự bơi ở ngoài khi trưởng thành.
Chim cánh cụt
Vào mùa sinh sản, sau khi đẻ trứng, những con chim cánh cụt hoàng đế giống cái sẽ đi kiếm ăn trên biển, để lại con đực giữ trứng ấm một mình. Trong khoảng thời gian hai tháng, những con chim đực hầu như không ăn uống gì. Sau khi những chú chim cánh cụt con ra đời, “ông bố tuyệt vời” này sẽ cho chúng ăn sữa từ tuyến sữa trong thực quản. Đến khi chim mẹ trở về đem theo thức ăn cho con, những ông bố “đáng thương” này mới được đi kiếm ăn.
Ếch
Hàng đêm, ếch “cha” Oreophryne đến từ Papua, New Guinea cũng ôm ấp bọc trứng trong lòng để giữ ấm và bảo vệ bọc trứng khỏi kẻ thù nhỏ như côn trùng.
Khỉ đột
Khỉ đột có lưng màu bạc giống đực giữ vai trò “trụ cột gia đình” và rất nghiêm khắc. Chúng có thể lãnh đạo một tập đoàn gồm 30 cá thể từ cách kiếm ăn cho đến giải quyết tranh chấp gia đình, chiến đấu chống lại các thế lực bên ngoài.
Theo bee