5/08, 8:05 am
Bất cứ một đứa trẻ nào cũng biết không nên ăn phần xanh của quả cà chua, mà phải cắt bỏ nó đi. Nguyên nhân đằng sau việc này chính là những phần xanh đó có chứa những hợp chất thực vật thứ yếu có ảnh hưởng bất lợi đến người sử dụng.
Hàng đêm, những con dơi ăn quả đều ăn vào một lượng lớn hợp chất thực vật thứ yếu cùng với thức ăn của chúng. Điều này quả thực rất khó hiểu đối với những con dơi cái đang mang thai hoặc những con dơi mẹ đang có sữa do các hợp chất thực vật thứ yếu có thể hủy hoại bào thai và những con dơi nhỏ. Một nghiên cứu khoa học lần đầu tiên tìm hiểu về cách mà những con dơi ăn trái cây đối phó với tình huống này.
Trong một nghiên cứu xuất bản trực tuyến trên tờ PLoS ONE, các nhà nghiên cứu thuộc học viện Nghiên cứu động vật hoang dã vườn thú Berlin Leibniz (IZW), đại học Boston và đại học Cornell đã thu được bằng chứng cho thấy những con dơi ăn trái cây ăn vào một lượng lớn đất sét cùng với nước giàu khoáng chất từ nơi gọi là bãi liếm muối khoáng để khử độc tính của những hợp chất thực vật thứ yếu từ trái cây.
Dơi có khoảng hơn 1200 loài, là nhóm động vật có vú có số lượng loài lớn thứ hai giữ vai trò gieo hạt giống quan trọng tại các rừng mưa nhiệt đới. Tiến sĩ Christian Voigt và đồng nghiệp đã bắt những con dơi đang mang thai và những con dơi đang nuôi con bằng sữa tại bãi liếm muối khoáng ở rừng mưa Amazon – Ecuador.
Dơi ăn trái cây. (Ảnh: animalpicturesarchive)
Voigt bày tỏ quan điểm ban đầu của mình khi bắt đầu nghiên cứu: “Thoạt nhìn, dường như những con dơi đến địa điểm này cùng chung mục đích với những con vật khác như heo vòi hay chim nhằm đáp ứng đủ nhu cầu muối khoáng hàng ngày của chúng”. Dơi mẹ có nhu cầu muối khoáng cao đặc biệt do con non của chúng không thể cai sữa cho đến khi chúng gần đạt kích cỡ trưởng thành.
Tiến sĩ Voigt cho biết: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy trái cây khá giàu muối khoáng so với côn trùng”. Trong nghiên cứu đang tiến hành, các nhà khoa học tập trung vào các loài dơi ăn cả trái cây và côn trùng.
Nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù côn trùng chứ không phải trái cây có lượng muối khoáng thấp không đủ cung cấp cho giai đoạn sinh sản của dơi, chỉ có những con dơi có chế độ ăn bao gồm trái cây là chính mới đến những bãi liếm muối khoáng. Các nhà nghiên cứu cho rằng dơi cái ăn nhiều trái cây hơn bình thường trong quá trình mang thai cũng như tiết sữa. Do đó, chúng tiếp xúc trực tiếp với tác động có hại của các hợp chất thực vật thứ yếu.
Dơi cái dường như có thể bù đắp lại độc tố của các hợp chất thực vật thứ yếu bằng cách ăn đất sét hay uống nước giàu muối khoáng. Người dân địa phương tại châu Phi và Nam Mỹ cũng quen thuộc với đặc tính khử độc của đất sét giàu muối khoáng. Họ cũng sử dụng nó trong quá trình mang thai và tiết sữa. Có lẽ cả con người và loài dơi đã tìm ra được một giải pháp tương tự cho một vấn đề chung.
Trích dẫn: Voigt CC, Capps KA, Dechmann DKN, Michener RH, Kunz TH (2008); Dinh dưỡng hay thuốc giải độc: tại sao dơi lại đến những bãi liếm muối khoáng tại rừng mưa Amazone; PLoS ONE 3(4): e2011. doi:10.1371/journal.pone.0002011.
Trà Mi (Theo Physorg)