Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một loài lưỡng cư không chân mới, với hình thù kỳ dị, vừa giống giun đất khổng lồ, vừa giống rắn ở một cánh rừng mưa nhiệt đới xa xôi của Campuchia.
Theo tổ chức Động – thực vật quốc tế (FFI), sinh vật dị thường, màu xám nâu được phát hiện ở dãy núi Cardamom, tây nam Campuchia, một nơi đang bị đe dọa mất môi trường sống tự nhiên cho quần thể động – thực vật hoang dã. Chúng được đặt tên khoa học là Ichthyophis cardamomensis.
Các chuyên gia phân loại Ichthyophis cardamomensis là caecilian – một loài lưỡng cư không có chi, giống giun đất với mắt nhỏ hoặc không mắt, chuyên đào hang ẩn náu dưới mặt đất. Các cá thể caecilian có một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, kể cả vai trò cung cấp thức ăn cho rắn đuôi đỏ Cylindrophis ruffus. Các sinh vật này ăn động vật không xương sống, chẳng hạn như giun đất, kiến và mối.
Mặc dù các loài caecilian khác có thể phát triển kích thước cơ thể tới 1,5 mét, nhưng Ichthyophis cardamomensis chỉ dài 30cm. Việc khám phá ra chúng được coi là bằng chứng cho thấy, khoa học vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ tính đa dạng sinh học của Campuchia.
Từng là một thành trì của chính quyền Khmer đỏ, vùng núi Cardamom còn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm, kể cả voi châu Á, bò rừng Mã Lai, … Dẫu vậy, nơi này đang đối mặt với tình trạng chặt phá rừng lan rộng.
Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo, việc chặt đốn gỗ bất hợp pháp cùng các hành động phá hủy môi trường sống tự nhiên khác có thể đồng nghĩa với việc, các loài mới sẽ bị tuyệt chủng không lâu sau khi được phát hiện.
Theo VNN