6/08, 8:00 am Ong cũng giống chúng ta khi đưa ra quyết định

Đa phần mọi người đều suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định, đối với loài ong cũng như thế.

Theo một bài báo trên tờ Nature, các nhà nghiên cứu Israel đã chứng minh rằng khi quyết định, con người và ong đều có chung đặc điểm liều lĩnh với các hành động mạo hiểm chứ không lựa chọn giải pháp an toàn hơn trong khi các hậu quả khác nhau của quyết định có thể nhận thấy dễ dàng. Tuy nhiên đối với trường hợp khó nhận biết hậu quả, cả con người và ong đều lựa chọn giải pháp an toàn hơn ngay cả khi xác suất thành công trong thực tế không thay đổi.

Thành công của các nhà nghiên cứu tại Học viện công nghệ Technion – Israel, Đại học Tel Aviv và Đại học Hebrew đã soi sáng bí ẩn tại sao con người có khuynh hướng chọn điều chắc chắn khi khó lường trước được sự khác biệt giữa các kết quả tiềm năng, ví dụ lợi tức thu được khi đánh cược hoặc đầu tư tài chính.

50 sinh viên được chọn tiến hành khảo sát. Họ phải đưa ra quyết định chọn lựa hai phím máy tính không được đánh dấu. Một phím khi nhấn mang lại phần thưởng 3 tín dụng với xác suất 100%, còn phím kia khi nhấn mang lại phần thưởng 4 tín dụng với xác suất 80% mặc dù người tham gia chỉ biết về những phần thưởng này bằng cách thử và sai khi chúng hiện ra trên màn hình. Họ được yêu cầu mỗi người phải đưa ra 400 quyết định và có xu hướng chọn chiến lược mạo hiểm hơn khi phần thưởng được thể hiện bằng các con số đơn giản (3 hay 4 tín dụng). Kết quả cũng tương tự khi các con số 3 hay 4 được thay thế bằng nhóm 30 hoặc 60 chấm dễ phân biệt. Khi các con số được thay bằng nhóm 30 hoặc 40 chấm, việc phân biệt trở nên khó khăn hơn nhiều, người tham gia chuyển hướng sang kết quả chắc chắn hơn.


Đa phần con người chúng ta đều suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định và loài ong cũng thế. (Ảnh: iStockphoto/Amit Erez)

Các nhà nghiên cứu cũng cho ong mật tham gia thử nghiệm tương tự bằng cách dùng khứu giác và 2 giọt dung dịch đường có thể tích 2 µl làm phần thưởng với độ đặc khác nhau. Đầu tiên họ thí nghiệm những con ong với phần thưởng mạo hiểm và phần tưởng an toàn với độ đặc của dung dịch đường là 10% và 5%. Trong thí nghiệm thứ hai, phần thưởng có phân biệt hơn với hai mức 6,7% và 5%. Và đối với thí nghiệm thứ ba, cả hai phần thưởng đều ở nồng độ 6,7%. Những con ong mật phải đưa ra 32 quyết định lựa chọn giữa hai mùi, mỗi một mùi xuất hiện 2 lần trong khoảng 1 giây theo thứ tự luân phiên. Ong mật có xu hướng lựa chọn chiến lược mạo hiểm khi lựa chọn của chúng dễ nhận thấy, tương tự với con người chúng ta.

Theo giáo sư Ido Erev thuộc Khoa quản lý và kĩ thuật công nghiệp Technion, nghiên cứu này có một vài ứng dụng thực tiễn trong phân tích giá trị đối với quy định bắt buộc tại công sở. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Quy định bắt buộc không đổi và thích hợp là cần thiết do nhân viên sẽ có xu hướng bỏ qua mạo hiểm nếu họ đã từng làm như thế trước đây mà không bị kỷ luật.

– Nhân viên có thể sẽ ủng hộ quy định bắt buộc vì ngay từ ban đầu họ đã muốn chấp hành nhiều quy định (đeo kính bảo hộ chẳng hạn) nhưng sau họ lại bất tuân.

– Hình phạt khắt khe vốn không được thực thi luôn luôn sẽ không có hiệu quả, nhưng các phần thưởng hay hình phạt thích hợp có thể có tác dụng.

Erev cho biết: “Sự giống nhau trong phản ứng giữa con người và loài ong chứng minh rằng quá trình đưa ra quyết định đã xảy ra từ rất sớm trong lịch sử tiến hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là một hiện tượng rất cơ bản tồn tại ở nhiều loài động vật khác nhau”.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *