Các nhà khoa học quốc tế tìm thấy ít nhất 235 loài có mặt ở cả Bắc cực và Nam cực, mặc dù hai cực của địa cầu cách nhau tới 13.000 km.

Trong một cuộc khảo sát đại dương ở cả hai cực, các nhà khoa học tìm thấy 7.500 loài ở Nam Cực và 5.500 loài ở Bắc Cực, trong đó có hàng trăm loài mà con người chưa từng biết. Phát hiện cho thấy hai cực không phải là "sa mạc sinh thái" như chúng ta tưởng.

“Những cuốn sách giáo khoa nói rằng Bắc Cực và Nam Cực có ít sinh vật hơn các khu vực khác, nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều loài sinh sống trong đại dương của hai cực", Victoria Wadley, một thành viên trong nhóm khảo sát, phát biểu.

Một con sên biển hình hoa đậu. Ảnh: Daily Mail.
Một con sên biển hình hoa đậu vừa được tìm thấy ở cả hai địa cực. Ảnh: Daily Mail.

Phần lớn những loài mới có cấu tạo đơn giản, như động vật không xương sống, chân đốt, giáp xác. Các chuyên gia tìm thấy nhiều loài nhện biển to bằng bàn tay người, những động vật có hình dạng giống tôm ở độ sâu 3.000 mét trong Bắc Băng Dương. Nhưng điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên nhất chính là sự xuất hiện của ít nhất 235 loài ở cả hai địa cực, trong đó có 5 loài cá voi, 6 loài chim biển và gần 100 loài giáp xác.

Tại sao các sinh vật giống hệt nhau cùng xuất hiện ở cả phần chóp và đáy của địa cầu vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Khoảng cách địa lý và các điều kiện sinh thái – như vùng nước ấm giữa hai cực – là các yếu tố có thể biến một loài thành hai. Các nhà khoa học sẽ tiến hành phân tích AND để xác định xem liệu chúng có cùng thuộc một loài hay không.

“Chúng tôi nghĩ rằng Bắc Cực và Nam Cực có điều kiện sinh thái giống nhau, nhưng chúng bị chia cách bởi khoảng cách địa lý quá lớn. Vì thế mà việc tìm thấy nhiều loài giống hệt nhau ở cả hai cực sẽ làm nảy sinh nhiều câu hỏi về tiến hóa”, Russ Hopcroft, nhà sinh thái học của Đại học Alaska Fairbanks (Mỹ), nhận định.

Một loài giáp xác mới được tìm thấy
Một loài giáp xác mới được tìm thấy ở cả hai địa cực. Ảnh: National Geographic.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy các loài nước lạnh đang di chuyển về phía hai cực để tránh tình trạng tăng nhiệt ở các đại dương.

Hơn 500 chuyên gia từ 25 nước đã tới hai cực để tiến hành thống kê. Các nhà khoa học ở Nam Cực phải chống chọi với những con sóng cao tới 16 mét, trong khi đồng nghiệp của họ ở Bắc Cực làm việc dưới sự bảo vệ của các vệ sĩ. Những người này được thuê để bảo vệ các chuyên gia khi gấu Bắc Cực xuất hiện.

Cuộc khảo sát này là một trong số nhiều dự án của chương trình Census of Marine Life – một nỗ lực quốc tế nhằm thống kê tất cả động vật trong các đại dương. Chương trình bắt đầu từ năm 2000 và sẽ kết thúc vào năm 2010 với sự tham gia của hàng chục nghìn nhà khoa học từ hơn 80 nước.

Minh Long (Theo Livescience)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *