Ngựa vằn là một giống ngựa rất đặc biệt, thường sống ở vùng thảo nguyên và hoang mạc châu Phi. Khác với những người anh em của mình, ngựa vằn có một bộ lông với hai màu đen trắng, bố trí thành các sọc từ đầu đến chân. Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ tìm hiểu được một phần nào đó về màu sắc đặc biệt này của ngựa vằn. Tuy nhiên có không ít người thắc mắc rằng, thực chất thì ngựa vằn là màu trắng sọc đen hay màu đen sọc trắng?
Trước tiên, màu sắc đặc biệt này của ngựa vằn có tác dụng rất lớn giúp chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt tại châu Phi. Màu sắc đen trắng xen kẽ giúp chúng làm giảm tới 70% nhiệt của ánh Mặt trời hấp thụ vào cơ thể. Cách bố trí các sọc trên cơ thể ngựa vằn cũng rất độc đáo, nó tạo ra các dấu hiệu riêng cho mỗi con ngựa vằn giống như dấu vân tay của con người. Còn đối với ngựa vằn thì đó là các sọc ở vai hoặc cổ, giúp chúng nhận biết các thành viên trong đàn.
Trái ngược với nhiều người nghĩ, màu sắc sặc sỡ của ngựa vằn có thể thu hút các loài thú ăn thịt khác như sư tử hay linh cẩu. Tuy nhiên thực chất thì các sọc đen trắng này lại giúp ngựa vằn đánh lạc hướng các loài này. Khi những con ngựa vằn đứng tập hợp lại với nhau, các nhà khoa học cho rằng với số lượng các sọc đen trắng lớn có thể đánh lừa các loài ăn thịt khác. Giống như một dạng ảo ảnh quang học, khiến cho 10 con ngựa vằn đứng gần nhau trông giống như một khối khổng lồ. Đánh lừa các loài ăn thịt và khiến chúng không dám tới gần.
Như vậy chúng ta có thể thấy các sọc đen trắng của ngựa vằn có tác dụng rất lớn, giúp chúng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt và trước các loài thú ăn thịt. Nhưng sự thật thì ngựa vằn là trắng sọc đen hay đen sọc trắng? Nếu chỉ dựa vào quan sát bằng mắt chúng ta rất khó để trả lời được điều này, vì các sọc đen và trắng được phân bố rất đều nhau trên toàn bộ cơ thể của chúng.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về các tế bào sắc tố dưới lớp da của chúng. Các tế bào melanocyte dưới da có vai trò sản xuất sắc tố màu lông. Đối với ngựa vằn cũng vậy, các tế bào melanocyte này quyết định màu sắc của chúng. Dựa trên việc phân tích các tế bào sắc tố này trong giai đoạn phôi thai của ngựa vằn, các nhà khoa học đã có thể tìm ra câu trả lời.
Lisa Smith là người nghiên cứu về động vật có vú lớn tại vườn thú Atlanta đã tiến hành nghiên cứu của mình về loài ngựa vằn. Trong nghiên cứu này, Lisa phát hiện ra màu đen của ngựa vằn là kết quả của kích hoạt sắc tố bởi tế bào melanocyte, trong khi đó màu trắng là kết quả của sự ức chế sắc tố. Điều đó cũng có nghĩa là màu đen chính là màu sắc chính của loài ngựa vằn, còn các sọc trắng là kết quả của sự ức chế các tế bào melanocyte khiến cho chúng không tạo ra được màu đen và do đó có các sọc trắng.
Theo khoahoc