Khi gặp tình huống nguy hiểm, một loài mực ống tự loại bỏ xúc tu để đánh lạc hướng kẻ thù rồi bỏ trốn.
Một con mực ống Octopoteuthis deletron
Stephanie Bush, một nhà khoa học của Đại học Rohde Island tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp nhận thấy nhiều con mực ống Octopoteuthis deletron ở ngoài khơi bang California sở hữu những xúc thủ có chiều dài khác nhau, Livescience đưa tin. Để tìm hiểu nguyên nhân, Bush và các đồng nghiệp gắn camera lên một thiết bị tự hành được điều khiển từ xa rồi đặt nó xuống đáy vịnh Monterey. Sau đó họ gắn một bàn chải vào hai xúc thủ của mực rồi thả nó xuống gần cỗ xe. Ngay khi tiếp xúc với bàn chải, xúc thủ của mực phát sáng.
“Thế rồi con vật tiến lên, tóm chặt lấy bàn chải và bơi ngược về phía sau, bỏ lại hai xúc thủ trên bàn chải”, Busk kể.
Trong những thử nghiệm khác, Bush nhận thấy một số con tỏ ra chần chừ trước khi tự bỏ xúc thủ. Bà cũng tiến hành những thử nghiệm tương tự với 7 loài mực ống khác, song không thấy bất kỳ con nào tự bỏ xúc thủ như mực ống Octopoteuthis deletron.
“Nếu một động vật săn mồi tìm cách tấn công mực ống Octopoteuthis deletron, các xúc thủ của mực ống sẽ bám chặt vào da của đối phương. Sau đó xúc thủ của mực tự lìa khỏi cơ thể. Trong lúc mực bơi tới chỗ khác, còn xúc thủ của chúng vẫn bám chặt vào da của kẻ săn mồi. Khi kẻ thù gỡ được xúc thủ thì mực đã biến mất”, Bush giải thích.
Mặc dù phần đứt trên xúc thủ của mực sẽ mọc lại, Bush cho rằng tự bỏ một phần cơ thể vẫn là một chiến thuật thoát thân đáng sợ.
“Chắc chắn sức khỏe của mực ống sẽ giảm mạnh sau khi chúng tự ngắt một phần xúc thủ, nhưng điều đó vẫn không đáng sợ bằng cái chết”, Bush bình luận.
Theo VnE