Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài giun thân dẹp lưỡng tính kỳ lạ, tự làm "chuyện ấy" với cái đầu của mình khi không thể tìm được bạn tình.

Loài giun dẹp Macrostomum hystrix trong suốt sở hữu cả cơ quan sinh dục đực và cái.

Thông thường, chúng sinh sản thông qua giao phối giữa 2 cá thể, trong đó, một con giun dẹp sẽ dùng dương vật – phần "que thăm" nhô ra ngoài, sắc nhọn như cây kim – để đâm xuyên và bơm tinh trùng vào lớp màng ngoài cơ thể của bạn tình. Quá trình này được các nhà khoa học mô tả là "sự thụ tinh gây chấn thương".

Tuy nhiên, khi không thể tìm được bạn tình để giao phối, giun dẹp Macrostomum hystrix đã tự thụ tinh bằng cách dùng dương vật bơm "con giống" vào đầu của mình. Các chuyên gia đến từ Đại học Basel (Thụy Sỹ) và Đại học Bielefeld (Đức) đã nghiên cứu về chiến lược sinh sản kỳ lạ, có tên gọi là "sự thụ tinh dưới da" này.

Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B đã hé lộ cách loài giun dẹp Macrostomum hystrix phát triển cơ chế thụ tinh dị thường.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia những con giun dẹp thành 2 nhóm: một nhóm gồm các cá thể bị phân tách sống cô độc và nhóm còn lại gồm các cá thể sống theo bầy đàn. Sau đó, họ đo đếm số lượng tinh trùng có trong mỗi con giun.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, những con giun sống biệt lập có nhiều tinh trùng ở trên đầu của chúng hơn. Mặc dù nhóm nghiên cứu đã không quan sát được trực tiếp quá trình tự thụ tinh, nhưng vị trí khác lạ của các tinh trùng ám chỉ con đường thụ tinh dị thường. Tinh trùng đã di cư từ đầu tới giữa thân, vị trí thụ tinh của chúng.

Trong khi đó, những con giun được cho sống theo bầy đàn chứa nhiều tinh trùng hơn ở phần đuôi.

Mặc dù một số sinh vật lưỡng tính từng được ghi nhận có khả năng tự thụ tinh, nhưng đây có thể là trường hợp sinh vật đầu tiên dùng dương vật tự tiêm tinh trùng vào đầu của mình. Các nhà nghiên cứu nhận định, cơ chế "xoắn" này là cần thiết, do không có sự kết nối bên trong giữa cơ quan sinh dục đực và cái của giun.

Bên cạnh đó, dù việc tự thụ tinh sẽ tạo ra thế hệ con lai gần, nhưng nó vẫn còn tốt hơn việc rốt cuộc không thể sinh sản, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *