Một nghiên cứu cho thấy, khỉ đàn và những đứa con sơ sinh của chúng giao tiếp với nhau giống như con người.

“Mọi người đều biết, những hành động của cha mẹ đối với đứa con sơ sinh. Họ nhìn chúng, cười, cường điệu hóa các cử động, hôn hít, thay đổi âm vực giọng nói để nựng con. Chúng tôi thấy, những con khỉ đàn cái cũng thực hiện các hành vi tương tự như vậy”, Pier Francesco Ferrari, một chuyên gia về sinh học hành vi và thần kinh của Đại học Parma (Italy), phát biểu.

Theo Livescience, nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, những hành vi tương tác tình cảm giữa mẹ và con ở loài người có vai trò rất quan trọng. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những cử động, giọng nói và những trạng thái tình cảm trên khuôn mặt người mẹ. Trong nhiều thập kỷ qua, giới khoa học luôn nghĩ, chỉ có con người và tinh tinh mới đủ khả năng thực hiện những hành vi ấy. Tổ tiên của tinh tinh tách khỏi chúng ta trên lộ trình tiến hóa cách đây 6 triệu năm, trong khi tổ tiên của khỉ đàn (Macaca mulatta) tách khỏi loài người từ 25 triệu năm trước. Vì thế mà so với khỉ đàn thì tinh tinh có quan hệ gần hơn với người.

Một cặp mẹ con khỉ đàn. Ảnh: peta.org.

Ferrari và cộng sự theo dõi sát sao 14 cặp mẹ con khỉ đàn trong hai tháng đầu tiên kể từ khi lũ khỉ con chào đời. Kết quả cho thấy, khỉ mẹ nhìn khỉ con nhiều hơn so với các thành viên khác trong đàn và khỉ con cũng vậy. Khỉ mẹ thường xuyên hôn lên cơ thể con và khỉ con bắt chước hành vi đó. Sự tương tác qua lại này cho thấy, thế giới nội tâm của khỉ khá phức tạp.

Ngoài ra, Ferrari và cộng sự nhận thấy, các khỉ mẹ chủ động tìm kiếm ánh mắt của con. Đôi khi, chúng ôm đầu con và nhẹ nhàng kéo nó về phía khuôn mặt của chúng. Trong nhiều trường hợp khác, khi lũ khỉ con nằm dưới đất, khỉ mẹ áp sát mặt vào khỉ con rồi gật lên gật xuống.

Điều lạ lùng là những hành vi âu yếm biến mất hoàn toàn sau khi khỉ con được hơn một tháng tuổi.

“Ban đầu chúng tôi thấy hiện tượng đó tương đối khó hiểu, song chúng ta nên nhớ rằng quá trình phát triển của khỉ đàn nhanh hơn nhiều so với người. Khả năng cử động của một con khỉ hai tuần tuổi tương đương với khả năng cử động của một đứa trẻ được 8-12 tháng tuổi. Vì thế mà khỉ con giảm bớt sự phụ thuộc vào mẹ sớm hơn người rất nhiều. Kể từ tháng thứ hai trở đi khỉ con thích giao tiếp với những con cùng độ tuổi hơn”, Ferrari nhận xét trên bài viết đăng trên tạp chí Current Biology số ra ngày 8/10.

Phát hiện cho thấy, bằng cách nghiên cứu khỉ, giới khoa học có thể thu được nhiều tri thức về sự tiến hóa của hành vi chăm sóc con của loài người và quá trình phát triển của trẻ em.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *