Theo một báo cáo vừa được WWF công bố, trong 1.068 loài mới được phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong từ năm 1997 đến 2007 có loài nhện huntsman lớn nhất thế giới với sải chân lên đến 30 centimet và loài rết hồng tiết xyanua.
Trong khi hầu hết các loài được phát hiện trong các cánh rừng rộng lớn và vùng đất ngập nước chưa được khai phá, một vài loài khác lần đầu tiên được tìm thấy tại những địa điểm khiến nhiều người trong chúng ta phải ngạc nhiên. Loài chuột đá Lào, được cho rằng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, đã được các nhà khoa học phát hiện tại một khu chợ thực phẩm địa phương, trong khi đó loài rắn pitviper tại Thái Lan được tìm thấy đang trượt qua xà nhà của một nhà hàng tại Vườn Quốc Gia Khao Yai.
“Khu vực này đúng như những gì khi còn nhỏ tôi đã đọc trong những câu chuyện của Charles Darwin,” tiến sĩ Thomas Ziegler, phụ trách vườn thú Cologne, Đức nói. “Đó là một cảm giác thật tuyệt vời khi được đến những nơi chưa từng được khám phám và ghi lại sự đa dạng sinh học của nó lần đầu tiên… thật bí ẩn và đẹp đẽ.”
Các loài được phát hiện, được nêu bật trong báo cáo nói trên, bao gồm 519 loài thực vật, 279 loài cá, 88 loài ếch, 88 loài nhện, 46 loài thằn lằn, 22 loài rắn, 15 loài có vú, 4 loài chim, 4 loài rùa, 2 loài kỳ nhông và một loài cóc.
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong có 6 quốc gia cùng chung dòng chảy của sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Người ta ước tính hàng nghìn loài động vật không xương sống được tìm thấy trong thời gian vừa qua, càng khẳng định thêm sự đa dạng sinh học vốn có của khu vực này.
“Không thể nào tuyệt vời hơn nữa,” ông Stuart Chapman, Giám đốc Chương trình của Tổ chức WWF tại tiểu vùng sông Mekong nói. “Chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện với số lượng lớn như thế này chỉ có ở trong sách lịch sử. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của khu vực Tiểu vùng sông Mekong trên bản đồ những khu vực đa dạng sinh học của thế giới.”
Báo cáo cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần đi đôi với nhau để đảm bảo sinh kế và xoá nghèo, cũng như đảm bảo sự tồn tại của các loài sinh vật và sinh cảnh tự nhiên của khu vực Tiểu vùng sông Mekong.
Trong số những loài mới phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong có 22 loài rắn, gồm rắn lục Trimeresurus gumprechti.
Rết rồng (Desmoxytes purpurosea) được các nhà khoa học phát hiện năm 2007 tại Thái Lan. Theo giới nghiên cứu, màu đỏ của loài này là lời cảnh báo đối với những đối thủ muốn ăn thịt chúng. Rết rồng có những tuyến có thể tạo ra chất độc xyanua (cyanide) để tự vệ. |
Chuột đá Lào (Laonastes aenigmamus) được tìm thấy tại một chợ bán thực phẩm ở Lào. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học nhận định, đây là loài sống sót duy nhất của một bộ gặm nhấm cổ đại được cho là tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước.
Nhện độc khổng lồ Heteropoda tìm thấy trong các cánh rừng ở miền bắc và miền trung Lào. Loài nhện hoạt động về đêm này rình rập con mồi từ các bụi cây hoặc bụi tre trên độ cao cách mặt đất khoảng 2 đến 4 mét.. |
Ếch cây Chiromantis samkosensis tìm thấy tại Campuchia. Chúng có một số đặc tính không giống với các loài ếch Chiromantis châu Á khác, như có máu màu xanh và xương màu ngọc lam.
Tắc kè Gekko scientiadventura nằm trong số nhiều loài mới phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong, khu vực gồm 6 nước là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (tỉnh Vân Nam).
Đồng bằng châu thổ sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam nhìn từ vũ trụ với 9 cửa sông đổ ra biển, mang theo lượng phù sa khổng lồ nhuộm vàng cả một đoạn bờ biển. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á và dài thứ 12 trên thế giới. Ảnh: Time.
Minh Hồng – Đình Chính (Theo BBC)