Phù du Tisza, rắn Garter, bọ chiến binh… là những loài động vật có hành vi giao phối tập thể đặc trưng.
1. Rắn Garter
Rắn Garter (danh pháp khoa học Thamnophis sirtalis) là loài rắn đặc trưng thuộc khu vực Bắc Mỹ, được tìm thấy chủ yếu tại Narcisse, Manitoba, Canada. Phần lớn rắn này có vạch vàng trên nền thân màu nâu hoặc xanh lá cây, dài trung bình 55cm, tối đa có thể đạt đến 137cm và khá nhẹ – khoảng 150g.
Đây là loài rắn độc, tuy nguy hiểm nhưng không đến mức chết người. Chúng không có răng nanh nên quá trình truyền nọc sẽ diễn ra trong quá trình nhai nuốt.
Điều khiến loài rắn này trở nên đặc biệt đó là tập tính quan hệ tình dục “sởn gai ốc” của chúng. Sau mỗi kỳ ngủ đông, rắn Garter cái sẽ tiết ra “hormone xã hội” – pheromone (hormone được cho là tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài) nhằm thu hút hàng trăm cá thể rắn đực cùng “vui vẻ”.
Chúng quấn lấy nhau tạo thành những “quả bóng rắn” khổng lồ. Các nhà sinh vật học tại khu vực này cho biết, mỗi hố rắn có thể chứa đến 25.000 con.
Rắn đực có đến 2 dương vật, chia đều mỗi bên cơ thể, và chúng luôn cố gắng sử dụng “cậu nhỏ” ở vị trí thuận lợi nhất để giao phối với con cái nằm tại trung tâm “quả bóng”.
Bên cạnh đó, một số rắn đực cũng tiết ra pheromone tương tự rắn cái, thu hút hàng trăm rắn đực khác lao vào mình. Các khoa học gia dự đoán rằng, sau một mùa đông lạnh giá, những “anh chàng ẻo lả” này thèm muốn cảm giác ấm áp và muốn được che chở.
2. Hồng hạc
Hồng hạc là tên chỉ các loài chim lội nước di cư thuộc họ Phoenicopteridae. Chúng được tìm thấy chủ yếu tại Tây bán cầu nhưng vẫn xuất hiện tại Đông bán cầu.
Điểm đặc biệt của chim hồng hạc là thích đứng một chân và điều này khiến nhiều nhà khoa học tò mò. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc đứng một chân giúp hồng hạc giữ sức và lưu thông máu tốt hơn.
Hồng hạc thích cuộc sống gắn kết thành đàn, có thể lên tới hàng ngàn con. Các con chim cùng đàn sẽ di chuyển với nhau khi nhận thấy có mối nguy hiểm đe dọa. Bên cạnh đó, tập tính kết đôi của hồng hạc cũng vô cùng đặc biệt – chúng thường giao phối tập thể với một số lượng lớn.
Trước khi nhập cuộc giao hoan, chim hồng hạc sẽ cùng nhau múa tập thể. Chúng sẽ có những cử chỉ, động tác múa giống hệt nhau – duỗi cổ, bước đều, nhổ lông, xoay đầu…
Theo các chuyên gia, việc múa tập thể như vậy là để mỗi cá thể chim tìm ra được đối tác phù hợp nhất với mình. Sau khi tìm được người tình thích hợp, chúng sẽ cùng nhau thăng hoa bên cạnh hàng ngàn cặp đôi khác.
3. Bọ chiến binh đen
Có nguồn gốc từ Australia, Chauliognathus lugubris thường được gọi là bọ chiến binh vì vẻ ngoài trông như đang mặc quân phục của mình. Loài bọ này có cơ thể dẹt, dài khoảng 1,5cm, với sọc màu vàng, cam nổi bật ngăn cách với đôi cánh màu xám đen.
Chúng còn được coi là một đối thủ khó chịu với các loài ăn thịt bởi khả năng tiết ra một dịch lỏng màu trắng có tác dụng xua đuổi kẻ thù.
Vòng đời của bọ chiến binh khá đơn giản, trứng sẽ nở thành ấu trùng rồi sống trong đất. Từ đây, nó sẽ dần lột xác, hút mật, rồi tìm nhau giao phối. Bọ chiến binh sống thành đàn lên tới hàng ngàn, thậm chí hơn 10.000 con và chúng thường “rủ nhau“ sex tập thể với số lượng cực lớn.
Từng nhóm bọ chiến binh “mây mưa” tạo thành những mảng đen trên cây, với số lượng lên tới hàng ngàn con. Chúng không gây hại nhưng có thể đem đến một số phiền toái như khiến người dân cảm thấy giật mình, hoặc chúng bám đầy vào các phương tiện, đồ dùng để gần đó. Sau khoảng 2 – 3 tuần, chúng sẽ rời khỏi cây, đẻ trứng rồi chết.
4. Phù du Tisza – phù du đuôi dài
Vòng đời sinh trưởng của loài phù du đuôi dài Tisza bắt đầu với giai đoạn ấu trùng. Chúng phát triển dưới bùn trong vòng 3 năm trước khi nở thành phù du trưởng thành. Ấu trùng sống trong những hang nhỏ nằm dưới bùn ở đáy sông, với mật độ khoảng 400 hang/m2.
Sau khi phát triển tới giai đoạn trưởng thành, những con phù chỉ có khoảng 3 giờ để giao phối và đẻ trứng trước khi chết. Với thời gian vô cùng ngắn ngủi, những con phù du đực vội vã bay đi tìm cho chúng một bạn tình thích hợp.
Khi tìm được bạn tình, những con phù du đuôi dài tiến hành giao phối với nhau trên mặt nước. “Cuộc tình” vội vã của phù du không hề lãng mạn như nhiều người tưởng – một nàng phù du thường phải "phục vụ" 20 con đực khác nhau.
Phần lớn phù du Tisza chết ngay sau khi “vui vẻ”.
Cứ như vậy, hàng triệu phù du đuôi dài lao lên khỏi mặt nước sông Tisza ở Hungary, tạo thành những đám mây côn trùng khổng lồ trên sông, bay lượn quấn lấy nhau để giao phối, rồi chết sau 3 – 4 giờ.
Theo kenh14