Theo giáo sư Sara Lewis thuộc Trường đại học Tufts, Boston (Mỹ), những con đom đóm phát sáng lập lòe trong đêm mùa hè có thể chỉ là một kiểu phô trương về hình thức bề ngoài của chúng, giống như chiếc đuôi rực rỡ của các con công đực nhằm thu hút sự chú ý nơi “bạn tình”.
Nghiên cứu này đã cho thấy sự phô trương vẻ đẹp giới tính không chỉ có ở một số loài như chim, thú hay con người mà ngay cả loài côn trùng cũng không phải ngoại lệ.
Chất phát sáng ở đuôi đom đóm gặp phải oxy sẽ phát sáng nhưng ánh sáng rất yếu, vì thế chỉ buổi tối mới nhìn rõ. Đom đóm đực có cánh, đom đóm cái không có. Do đó đom đóm đực phát sáng để thu hút đối phương.
Chẳng hạn, những con đom đóm đực tập hợp được ánh sáng huỳnh quang lâu hơn sẽ có khả năng tìm bạn đời thành công hơn và giúp con cái sinh sản ra nhiều con hơn.
Vẫn theo GS Sara Lewis, loài đom đóm sống dưới dạng ấu trùng với thời gian khá dài (khoảng hai năm). Giai đoạn này chúng chủ yếu dành cho việc “làm đầy bao tử” và lớn lên. Sau đó, đom đóm bay lên khỏi mặt đất và dành suốt hai tuần lễ chỉ với mục đích “tán tỉnh” bạn khác giới và truyền giống, trước khi chết lả đi vì đói.
Nhìn chung, mỗi loài đom đóm thường có kiểu phát sáng và thời gian phát sáng khác nhau. Độ dài của tín hiệu phát sáng còn liên quan tới lượng dưỡng chất con đực cung cấp trong khi giao phối và sau đó sẽ được tích trữ lại trong trứng của đom đóm cái.
Khi đom đóm gặp phải các loài chim đi săn đêm hoặc lúc nguy hiểm khác, chúng sẽ phát sáng để cảnh báo, sau đó phát ra một mùi khó chịu, vì thế nhện và ong dù có nhìn thấy đom đóm ngay bên cạnh cũng không muốn ăn chúng.
Theo khoahoc