Một nghiên cứu từ Mỹ cho biết những kháng thể đặc biệt có ở loài rồng Komodo có thể giúp bào chế loại thuốc kháng sinh công hiệu cho con người.
Rồng Komodo (Varanus komodoensis) là một loài thằn lằn lớn sống chủ yếu ở Indonesia. Nó là thành viên của họ Kỳ đà (Varanidae), và được cho là đã xuất hiện trên địa cầu khoảng gần 5 triệu năm trước. Khi trưởng thành, nó đạt chiều dài tối đa 3 mét và có thể nặng đến 90kg.
Rồng Komodo còn được gọi là kỳ đà Komodo hay kỳ đà đảo Komodo trong văn bản khoa học. Chúng có nguồn gốc từ đảo Komodo của Indonesia, ở đó chúng được gọi là ora, buaya darat (cá sấu đất), hay biawak raksasa (kỳ đà khổng lồ).
Loài bò sát săn mồi này khiến người ta khiếp sợ bởi trong nước bọt của chúng có tổng cộng 57 loại vi khuẩn gây sát thương. Theo báo Science Alert, điều thú vị đó khiến các nhà khoa học chú ý.
Chúng cắn con mồi và tiết những thành phần gây chết chóc vào con mồi. Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện thấy rằng khi chúng cắn lẫn nhau thì không con rồng Komodo nào phát bệnh!
Rồng Komodo có hệ thống miễn dịch khỏe. Tuyến nước bọt của chúng vừa chứa vi khuẩn gây chết người vừa có kháng thể. Chúng sẽ liếm để chữa lành vết thương nhanh chóng trong môi trường tự nhiên, theo nghiên cứu vừa công bố.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Goerge Mason ở bang Virginia (Mỹ) đã nghiên cứu sâu về vấn đề này và phát hiện được những "peptite kháng khuẩn".
"Đó là thành phần thuộc hệ miễn dịch giúp cơ thể còn sống trong hai đến ba tuần trước khi cơ thể bắt đầu tạo ra kháng thể chống lại sự nhiễm khuẩn từ bên ngoài", nhà hóa sinh Monique Van Hoek giải thích về những "peptite kháng khuẩn".
Nhóm nghiên cứu đã nhận diện được 48 "peptite kháng khuẩn" đó và đã tổng hợp được 8. Họ đã thử nghiệm các kháng khuẩn của rồng Komodo trên 2 "siêu vi khuẩn", trong đó có loại staphylocoque được cho là đặc biệt kháng thuốc.
Bảy peptide của rồng Komodo đã tiêu diệt được cả hai "siêu vi khuẩn" nêu trên và một peptide chỉ diệt được một "siêu vi khuẩn".
Nhờ vào kết quả khả quan trên, các nhà khoa học hi vọng sớm tiến hành các nghiên cứu mới để có thể tạo ra một loại thuốc kháng sinh mới diệt được các loại "siêu vi khuẩn" vốn đang trở thành mối lo cho con người hiện nay bởi tính kháng thuốc với các loại kháng sinh đã có.
Các nhà khoa học cũng tập trung nghiên cứu vào tiến trình tạo ra các loại peptite trên. Họ cũng tìm cách trả lời câu hỏi là những peptite trên chỉ có ở rồng Komodo hay còn có ở các loài động vật khác và thậm chí ở con người.
Kháng thuốc kháng sinh đã trở thành một trong những mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 480.000 người bị đa kháng thuốc mỗi năm và kháng sinh bắt đầu trở thành vấn đề phức tạp đối với điều trị HIV và sốt rét.
Theo khoahoc