Bạn có biết, mực ống sở hữu cơ thể trong suốt nhưng làn da của nó có khả năng tự đổi màu một cách linh hoạt.
Mới đây, các khoa học gia thuộc ĐH Stanford đã thực hiện thí nghiệm về khả năng đổi màu da của mực, nhằm xác định xem làn da của chúng có thể tự cảm nhận môi trường xung quanh, hay cần đến sự can thiệp của não bộ.
Mực có khả năng đổi màu của làn da một cách linh hoạt. Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện bởi Hannah Rosen, tiến sĩ nghiên cứu thuộc ĐH Stanford. Theo Rosen, loài mực luôn nổi tiếng trong giới động vật nhờ khả năng ngụy trang vô cùng độc đáo của mình. Trong tích tắc, chúng có thể chuyển màu từ trong suốt (màu gốc) sang màu nâu hoặc đen để phù hợp với môi trường xung quanh.
Rosen cho biết, mực có khả năng này là nhờ những tế bào sắc tố – chromatophores – nằm dưới da. Khi các tế bào nở ra, sắc tố sẽ lộ nhiều hơn, và khi co lại, các màu sắc cũng theo thế mà giảm bớt. Các tế bào này cho phép loài mực hòa mình vào môi trường xung quanh, giúp chúng rình mồi, đồng thời bảo vệ bản thân khỏi những loài săn mồi.
Để biết được cơ chế đổi màu của mực, Hannah Rosen đã thử nghiệm với những dây thần kinh nối từ não bộ đến các cơ quan sắc tố trên một bên thân mực. Khi phá hủy những dây thần kinh này, các cơ quan chứa tế bào sắc tố lập tức thả lỏng, khiến các nốt đổi màu thu gọn lại, trong khi nửa bên cạnh vẫn có thể đổi màu.
Tuy nhiên, sau đó vài này, những cơ quan sắc tố ở phần tê liệt lại hoạt động trở lại. Điều này cho thấy, dường như các cơ quan này đã lấy tín hiệu ở một nơi khác, thay vì não bộ.
Theo Rosen, nghiên cứu này cho thấy loài mực có thể đổi màu theo 2 cơ chế: vô ý và hữu ý. Thông thường, khi cảm nhận được nguy hiểm, não bộ của chúng sẽ ra lệnh cho các cơ quan sắc tố ở da nở ra, giải phóng các tế bào sắc tố giúp chúng đổi màu hòa lẫn vào thiên nhiên. Tuy nhiên, bản thân làn da cũng cảm nhận được tín hiệu nguy hiểm xung quanh, giúp chúng tự đổi màu một cách vô thức.
Theo Trí Thức Trẻ