Các nhà sinh vật học của Trường Đại học British Columbia (Canada) đang nghiên cứu về khả năng độc đáo của loài cá Anableps anableps trong việc có thể nhìn thấy cùng một lúc cả bên trên và dưới làn nước.
Loài cá này thường sống trong các đầm lầy ngập mặn ở Trung Mỹ và miền Bắc Nam Mỹ. Chúng dài khoảng 15 – 30 cm, thường sống ở bề mặt nước và thức ăn là côn trùng bay và tảo. Không giống những loài cá khác không thể nhìn thấy trên mặt nước, nửa trên mắt của loài cá này có thể nhìn được ở phía trên mặt nước, trong khi nửa dưới mặt nước vẫn nhìn bình thường, giống như có đến 4 con mắt.
Bằng cách phân tích các gien opsin quy định sắc tố trong võng mạc, các nhà khoa học đã phát hiện mắt của loài cá này có một sự phân chia rõ ràng theo độ nhạy giữa các phần trên và dưới. Một phần của võng mạc tiếp xúc với ánh sáng trên không có tế bào hình nón (là các tế bào thần kinh chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu não) rất nhạy cảm với các bước sóng màu xanh lá cây vốn chiếm ưu thế trong không khí; phần dưới của võng mạc tiếp xúc với ánh sáng dưới nước có tế bào hình nón nhạy cảm hơn với các bước sóng màu vàng của nước bùn.
Phát hiện về loài cá này đã cung cấp một bằng chứng quan trọng đối với cách biểu hiện của các gien sao chép riêng cho mỗi một nửa của mắt, cho phép chúng thích ứng phù hợp với môi trường.
Theo NLD