Chim cánh cụt vẫn hoạt động bình thường trong cái lạnh – 50 độ C của Nam Cực mà không lo đóng băng nhờ một số đặc tính chống thấm nước ưu việt.

Nhà nghiên cứu Pirouz Kavehpour, giáo sư khoa Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không của Đại học California, Los Angeles, Mỹ, lần đầu chú ý đến những chiếc lông của chim cánh cụt khi xem một bộ phim tài liệu.

"Tôi nhận thấy những con chim cánh cụt hoạt động ở vùng nước lạnh giá và sống trong điều kiện nhiệt độ rất thấp nhưng không hề dính chút băng nào trên lông", Discovery News dẫn lời Kavehpour, người vừa công bố kết quả nghiên cứu tại cuộc họp thường niên của Ban thủy động lực học của Hiệp hội Vật lý Mỹ tại Boston hôm 22/11.

Lớp lông của chim cánh cụt có tính chống thấm nước mạnh

Kavehpour, chuyên gia về chim cánh cụt Judy St. Leger và các nhà nghiên cứu khác sử dụng kính hiển vi điện tử quét hình để phân tích lông chim cánh cụt do công viên San Diego SeaWorld quyên tặng.

Các nhà khoa học phát hiện trên lông chim có những lỗ nhỏ giữ khí, khiến bề mặt lông không ngấm nước. Họ cũng nhận ra chim cánh cụt bôi lên lông loại dầu tiết ra từ một tuyến nằm gần gốc đuôi, giúp tăng cường khả năng chống thấm nước.

Khi nước tiếp xúc với bề mặt lông, những giọt nước nhỏ lấm tấm có thể lăn xuống hoặc bị chim cánh cụt giũ sạch. Giọt nước trên lông cũng có hình cầu làm chậm sự hình thành của băng. Nhiệt lượng sẽ khó thoát khỏi giọt nước do bề mặt tiếp xúc với không khí ít.

Kết quả nghiên cứu có nhiều ứng dụng trong ngành thiết kế máy bay. Máy bay trong tương lai có thể phủ lớp sơn rỗ chống thấm nước và dầu bôi trơn để ngăn băng hình thành. Các nhà sản xuất máy bay hiện nay sử dụng chất hóa học để phá băng, nhưng quá trình này có chi phí cao, tốn thời gian và nhiều sai sót.

"Thật hài hước khi một loài chim không bay được lại có thể giúp máy bay hàng không bay an toàn hơn trong tương lai", Kavehpour nói.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *