Nếu xưa kia “mọi con đường đều dẫn tới Roma” – đế chế hùng mạnh đầu tiên của nhân loại, thì ngày nay có thể nói “mọi con đường ở Roma đều dẫn du khách tới Vatican”.
Có bao nhiêu điều thú vị ngay khi vừa đặt chân đến một quốc gia nằm lọt thỏm trong lòng thủ đô nước Ý này. Rõ ràng đang đi trên đường phố Roma, thế mà chỉ một bước chân là đã sang lãnh thổ Vatican rồi.
Mới thả bộ vài phút, du khách đã thấy thấp thoáng vài vị Hồng y uy nghiêm trong bộ áo chùng đen với thắt lưng và chiếc mũ đỏ thắm bình thản rảo bước ngay bên cạnh, khiến trong một thoáng cứ rằng đang trở về thời kỳ “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” xa xưa.
Dù diện tích vỏn vẹn 0,44kilomet vuông và dân số chưa đến một ngàn người, nhưng Vatican – quốc gia nhỏ nhất thế giới này lại có quyền lực ảnh hưởng đến hàng tỉ tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn cầu.
Đại thánh đường huyền thoại
Đại giáo đường và Quảng trường Saint Peter |
Trước khuôn viên Tòa thánh luôn có những đám đông đang tò mò ngắm nhìn những lính gác với đồng phục thời cổ kẻ sọc màu xanh – đỏ – vàng vui mắt, đội mũ chóp đính rua đỏ, kiếm đeo lủng lẳng bên hông hoặc kích cầm tay.
Đó chính là các vệ binh Thụy Sĩ – quân đội chính thức của quốc gia Vatican, mà suốt 500 năm qua việc tuyển quân chỉ hạn chế trong thanh niên Công giáo người Thụy Sĩ.
Vệ binh Thụy Sĩ |
Ra đời từ thế kỷ thứ IV, nhưng mãi đến năm 1929, sau Hiệp ước Latran ký giữa chính quyền Mussolini và Giáo hoàng Pius XV, Vatican mới hoàn toàn tự trị với tư cách một quốc gia độc lập theo công pháp quốc tế.
Lãnh thổ Vatican bao gồm Đại giáo đường Saint Peter, Quảng trường Saint Peter, Khu bảo tàng, Tòa thánh, công viên và các đường phố. Ngoài ra, còn có một số tài sản nằm rải rác ở Roma và trên nước Ý, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như đối với các đại sứ quán.
Được ví là “viên ngọc sáng trên chiếc vương miện Vatican”, đại thánh đường Saint Peter là một trong những nhà thờ tráng lệ nhất thế giới. Công trình này khởi công xây dựng vào năm 1506 trên nền một nhà thờ cổ theo lệnh của Giáo hoàng Julius II và trong suốt 200 năm đã trải qua nhiều đợt tái thiết do các kiến trúc sư, họa sĩ lừng danh như Bramande, Raphael, đặc biệt là Michelangelo, người đã thiết kế mái vòm khổng lồ hầu như hoàn toàn bằng đá, khiến cho công trình Pantheon danh tiếng gần đó cũng phải lu mờ.
Bước vào bên trong thánh đường, cảm giác đầu tiên là choáng ngợp, nào là bệ thờ lộng lẫy, cột đá sừng sững, tượng thánh uy nghi, rồi tranh vẽ, rồi họa tiết, rồi phù điêu, rồi bích họa trên trần…
Trong thánh đường có pho tượng La Pieta, tạc cảnh Đức Mẹ ôm thi thể Chúa do Michelangelo sáng tác năm mới 23 tuổi.
Pho tượng La Pieta |
Cũng giống như bức tượng David cao 4 mét đặt tại quảng trường Florence, La Pieta dưới bàn tay của vị kiến trúc sư tài hoa đã biến cả khối đá hoa cương trắng thành da thịt mềm mại, lộ rõ từng đường gân sớ thịt. Và tuyệt vời hơn cả là vẻ nhẫn nhục của người mẹ, mà thời gian và nỗi đau nhân thế không mảy may tác động đến nét thanh xuân trên gương mặt thánh thiện.
Mọi người chỉ có thể chiêm ngưỡng La Pieta qua tấm kính chắn đạn dày, sau sự việc một kẻ quá khích đã dùng búa xâm hại pho tượng vào năm 1972.
Một trong những người để lại dấu ấn quan trọng trong công trình xây dựng giáo đường là kiến trúc sư thiên tài Gian Lorenzo Bernini – bậc thầy trong phong cách Baroque. Vào thế kỷ XVII, nhằm mục đích mở rộng mặt tiền nhà thờ, Bernini đã thiết kế bốn dãy cột thành hình vòng cung bao bọc cả quảng trường phía trước, hệt như vòng tay mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại tề tựu về đây.
Các vị hồng y trên Quảng trường Saint Peter |
Vài tiếng đồng hồ thơ thẩn trên quảng trường Saint Peter mênh mông, thực chất là một cuộc thưởng lãm nghệ thuật, thể hiện trên mấy trăm chiếc cột sừng sững được trang trí bởi 140 pho tượng thánh.
Nổi bật ở trung tâm quảng trường là cột tháp Ai Cập nặng đến 300 tấn, ra đời từ thế kỷ XIII trước Công nguyên. Sau 1.300 năm đứng ở quê hương, cột đá cổ bắt đầu số phận truân chuyên khi trở thành chiến lợi phẩm của hoàng đế La Mã Caligula mang về Roma để trang trí cho quảng trường cạnh hoàng cung và an phận trong suốt 1.500 năm. Đến thế kỷ XVI, khi giáo đường Saint Peter được xây dựng thì một lần nữa, chiếc cột được chuyển về phía trước nhà thờ để tô điểm cho quảng trường.
Bảo tàng kho báu nghệ thuật
Bên trong Bảo tàng Vatican |
Cầu thang xoắn trong bảo tàng |
Đã đến Vatican thì không thể không viếng thăm Khu bảo tàng nằm ở phía Bắc đại giáo đường Saint Peter, bao gồm một nhóm các bảo tàng với hàng ngàn gian phòng trưng bày.
Sistine – một nhà nguyện nhỏ nhưng lại được coi là trái tim của Bảo tàng Vatican, cũng là nơi các vị Hồng y tiến hành bầu chọn Giáo hoàng mới.
Trong nhà nguyện nhỏ bé, bề dài chỉ 40 mét và ngang 12 mét, rất đông người chen chúc nhau vào tham quan. Vào đây thì phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ: không điện thoại, không quay phim, không sử dụng flash, tuyệt đối giữ yên lặng…
Sistine được đánh giá là “phòng trưng bày vĩ đại nhất các tác phẩm nghệ thuật hội họa thời kỳ Phục hưng |
Thật không ngoa khi Sistine được đánh giá là “phòng trưng bày vĩ đại nhất các tác phẩm nghệ thuật hội họa thời kỳ Phục hưng”. Phủ kín các bức tường là 12 bích họa lớn do các danh họa lỗi lạc như Perugino, Botticelli, Signorelli, Roselli thực hiện, mà nổi bật nhất là bức bích họa chiếm trọn trần nhà nguyện của Michelangelo – mô tả những thời kỳ quan trọng trong lịch sử hình thành nhân loại dựa theo Kinh Cựu ước.
Khi nhận lệnh của Giáo hoàng Jule II vẽ trần Nhà thờ Sistine, Michelangelo – vốn chỉ xem mình là điêu khắc gia đã than thở: “Đó đâu phải nghề của tôi”. Nhưng cũng như nhiều công trình khác mà ban đầu ông đều chối từ, khi buộc phải bắt tay vào làm thì ông tập trung toàn bộ công sức lẫn tâm huyết của mình. Và sau bốn năm lao động cật lực ròng rã, ông đã cống hiến cho đời một kiệt tác nghệ thuật. Vì phải ngước lên để vẽ trong thời gian quá dài nên sau đó cổ ông đã bị lệch.
Theo chudu24