Sau gần 40 năm, lần thứ 2 sa mạc Sahara chứng kiến hiện tượng tuyết rơi. Cảnh tượng hiếm gặp trong lịch sử khiến nhiều người ngạc nhiên.
Nhiếp ảnh gia nghiệp dư Karim Bouchetata là người tận mắt chứng kiến hình ảnh đáng ngạc nhiên khi lớp tuyết bao phủ trên nền cát ở sa mạc Sahara thuộc thị trấn nhỏ của Ain Sefra, Algeria, vào ngày 19/12 vừa qua. “Mọi người đều sững sờ khi thấy tuyết rơi trong sa mạc. Đó là sự xuất hiện rất hiếm có. Nó trông rất kỳ diệu. Tuyết lẫn với cát trong khoảng 1 ngày và đã tan chảy”, ông nói.
Theo báo cáo, đây là lần thứ 2 trong lịch sử, người ta chứng kiến cảnh tuyết rơi ở Sahara – một trong những nơi có môi trường khí hậu khắc nghiệt nhất trên Trái đất.
Ngày 18/2/1979, tại khu vực độ cao thấp của sa mạc Sahara ghi nhận lần tuyết rơi đầu tiên trong lịch sử. Những bông tuyết rơi xuống các điểm ở miền nam Algeria, trong khoảng thời gian nửa tiếng. Sau đó, nơi này cũng từng chứng kiến trận tuyết bụi với cường độ nhỏ, xuất hiện vào năm 2005 và 2012
Theo lời mô tả, tuyết phủ trên cát nóng tạo thành cảnh tượng đặc biệt. Được biết, hiện tượng tuyết rơi trên những đụn cát là điều rất hiếm gặp, nhất là những dãy núi thuộc sa mạc Sahara.
Sahara có diện tích bao trùm hầu khắp khu vực Bắc Phi. Trong vài trăm nghìn năm qua, nơi này từng trải qua những lần thay đổi cả về nhiệt độ và độ ẩm. Sa mạc là một trong những khu vực nóng và khô nhất trên thế giới. Năm ngoái, nhiệt độ trung bình ở Ain Sefra vào khoảng 20 độ C.
Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, đồng thời là hoang mạc lớn thứ 3 trên trái đất (chỉ sau châu Nam Cực và vùng Bắc Cực). Sahara ở phía bắc châu Phi vào khoảng 2.5 triệu năm tuổi.
Trong suốt kỷ nguyên băng hà, vùng Sahara đã từng ẩm ướt hơn ngày nay rất nhiều. Và cũng đã từng có rất nhiều loài động, thực vật sinh sống nơi đây. Tuy nhiên ngày nay, ngoại trừ vùng thung lũng sông Nin là có thể trồng được nhiều rau và một số ít nơi khác như vùng cao nguyên phía Bắc, gần Địa Trung Hải là có thể trồng cây ôliu còn phần lớn vùng này không thể canh tác được.
Theo dantri