Ngày 4 tháng 8 hàng năm là ngày hội đũa ở Nhật. Đây là dịp để trưng bày các đôi đũa đủ màu sắc, chất liệu, giá trị cho mọi người cùng xem. Ngày này còn được gọi là ngày thay đũa mới trong năm.
![]() |
Có nhiều quốc gia trên thế giới dùng đũa trong bữa ăn nhưng chỉ có Nhật Bản là nước quan tâm đặc biệt đến hình thức của đôi đũa |
Có nhiều quốc gia trên thế giới dùng đũa trong bữa ăn nhưng chỉ có Nhật Bản là nước quan tâm đặc biệt đến hình thức của đôi đũa. Không chỉ với chất liệu gỗ bên trong mà hình dáng trang trí bề ngoài của chiếc đũa cũng rất được xem trọng. Ngoài loại đũa phổ biến làm bằng tre được quét một lớp sơn phủ bên ngoài, từ thời Edo, các nghệ nhân đã cho ra đời sản phẩm đũa sơn mài, một loại đũa rất nổi tiếng của Nhật Bản.
Đũa sơn mài là sản vật danh tiếng của thị trấn Obama, thuộc tỉnh Fukui, phía Nam Nhật Bản. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất của hàng thủ công mỹ nghệ.
Ngoài chất liệu chính là gỗ, đũa được trang trí bằng vỏ trứng, mảnh xà cừ và lớp nhựa sơn phủ bên ngoài. Nhật Bản có ưu thế biển cả bao bọc xung quanh nên nguồn nguyên liệu xà cừ rất dồi dào.
Cây sơn lại là loại cây mọc phổ biến tại Nhật. Các nghệ nhân nước này rất ưa chuộng dùng nhựa cây sơn để sơn lên đồ gỗ giúp tăng tuổi thọ của đồ vật. Nhựa cây sơn có ưu điểm là khi khô nó rất chắc, cứng, không hòa tan, giỏi chịu nhiệt, và hóa chất như axit, cồn. Từ xưa đến nay, các nghệ nhân Nhật Bản vẫn duy trì kỹ thuật dùng nhựa sơn cho đồ gỗ.
Đôi đũa không đơn thuần là dụng cụ trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình ở Nhật mà nó đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, một loại hàng mỹ nghệ nổi tiếng, một món quà tặng giá trị. Và một nét văn hóa rất riêng.
Từ xa xưa, đôi đũa đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Nhật. Đó là vật cúng dâng lên thần linh trong các nghi lễ. Đôi đũa là phương tiện nối kết giữa con người với thần thánh. Người Nhật quan niệm rằng, đũa là nơi thần thánh lưu trú. Ngày nay, tại nhiều đền thờ Thần Đạo, người ta vẫn lưu giữ phong tục dùng đũa làm lễ vật dâng lên thần linh bên cạnh gạo và rượu vì cho rằng, thần cũng sử dụng đũa để gắp thức ăn như con người.
Hàng năm, tại ngôi đền Hie ở trung tâm thủ đô Tokyo diễn ra lễ hội đốt đũa. Đây là một trong những sự kiện quan trọng có liên quan đến văn hóa đũa của người Nhật. Vào ngày lễ, người ta mang những đôi đũa cũ đã qua sử dụng đến đền và đốt chúng đi. Hành động này nhằm thể hiện lòng cảm kích của họ đối với vật dụng gắn bó mật thiết trong bữa ăn hàng ngày.
Việc giáo dục giới trẻ hiểu và làm quen với những giá trị văn hóa truyền thống là điều mà người Nhật rất quan tâm. Chính vì vậy, trẻ em Nhật Bản đã được tiếp cận thực tiễn nhiều loại hình văn hóa ngay trong trường học, từ văn hóa trà đạo đến văn hóa sử dụng đũa. Những buổi học như thế sẽ là bước khởi đầu để hình thành ý thức về sự bảo tồn cũng như phát huy các tinh hoa mà cha ông các em đã tạo dựng.
Thanh Tâm