Trải qua mùa đông dài chìm ngập trong tuyết, cư dân vùng tuyết đã nghĩ ra nhiều cách để biến cái khắc nghiệt đó thành lợi thế của họ.
Tuyết giúp người dân vùng Uo-numa, tỉnh Nii-gata cho ra đời một loại vải Echigo-jofu chất lượng cao, màu sắc và hoa văn tươi sáng. Vải Echigo-jofu được dệt vào mùa đông, khi ngoài trời tuyết bắt đầu rơi. Vải dệt xong được phơi trên tuyết để nó hấp thụ khí trời và phát huy hết vẻ đẹp.
![]() |
![]() |
![]() |
Vải Echigo-jofu được phơi trên tuyết |
Vải Echigo-jofu, sau khi dệt hoàn tất, được giặt trong nước nóng trước khi mang ra phơi trên cánh đồng tuyết vào thời điểm có ánh nắng mặt trời. Ánh nắng làm tuyết bay hơi, sản sinh ra khí ozone. Khí ozone chính là yếu tố then chốt làm cho màu sắc trên vải tươi sáng hơn, sống động hơn. Quá trình phơi vải trên tuyết kéo dài từ 10 – 20 ngày. Phương pháp sản xuất vải truyền thống lắm công phu này của vùng Uo-numa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Không chỉ có vải mới được phơi trên tuyết, người dân Nii-gata còn tận dụng tuyết vào nhiều mục đích khác. Tuyết là thành phần không thể thiếu trong qui trình sản xuất truyền thống loại gia vị nổi tiếng của địa phương – tương ướt Toga-rashi.
Trước khi cho vào máy xay nhuyễn, ớt nguyên liệu được phơi trên tuyết trong một thời gian. Bằng cách này, mùi vị của món tương ớt Nii-gata sẽ vừa thơm vừa ngon.
Tuyết còn là kho bảo quản thực phẩm rất tiện lợi và không hề tốn kém của người dân vùng tuyết. Trước mùa đông, người dân vẫn để một số loại củ quả ngoài đồng mà không thu hoạch, họ tận dụng “chiếc tủ lạnh thiên nhiên ngoài trời” để lưu trữ thức ăn dài ngày.
Tại thị trấn Numata thuộc tỉnh Hokkaido, nhà nông Shinoda Hisao đã dùng tuyết để tạo ra một loại gạo đặc biệt có hương vị rất ngon. Chất lượng của nó được người tiêu dùng công nhận.
![]() |
Tuyết là chiếc tủ lạnh thiên nhiên ngoài trời để lưu trữ thức ăn dài ngày. Ảnh minh họa |
Sau khi thu hoạch lúa xong, ông Shinoda lưu trữ chúng trong kho, tuy nhiên, đó không phải là nhà kho bình thường mà được thiết kế đặc biệt. Một lượng tuyết lớn ngoài tự nhiên được bơm vào nhà kho, sau đó, người ta cho chúng vào những ô nhỏ hình chữ nhật. Tại đây, tuyết sẽ bốc hơi từ từ, luồng không khí mát lạnh này được dẫn đến bể chứa lúa. Nhiệt độ ôn hòa làm cho thành phần trong hạt gạo thay đổi, chúng trở nên thơm ngon hơn. Quá trình lưu trữ gạo trong tuyết này kéo dài suốt 1 năm.
Gạo bảo quản trong tuyết của ông Shinoda được đưa ra thị trường vào năm 1997, được người tiêu dùng rất ưa chuộng và nổi tiếng nhanh chóng. Gạo tuyết của Numata giờ đây đã trở thành sản vật nổi tiếng của địa phương. Thời gian bảo quản lâu, công phu và chất lượng tốt nên loại gạo này có giá trị thương phẩm khá cao.
Ý tưởng dùng tuyết tự nhiên làm kho lạnh thân thiện môi trường của ông Shinoda đã được ứng dụng tại các tòa nhà lớn. Nó giống như một hệ thống làm mát khổng lồ giúp không khí bên trong tòa nhà dễ chịu.
![]() |
![]() |
Rau quả ngoài đồng được hơi lạnh của tuyết bảo quản |
Năm 2008, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển G8 được tổ chức tại Hokkaido. Giải pháp sử dụng tuyết tạo ra máy điều hòa làm mát được đưa vào thảo luận trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tìm nguồn năng lượng mới thân thiện môi trường. Như để chứng minh tính hiệu quả của giải pháp, nước chủ nhà Nhật Bản đã lắp đặt hệ thống làm mát ngay tại gian trưng bày các phát minh xanh của trung tâm triển lãm hội nghị. Hệ thống đã gây sự chú ý đặc biệt cho giới truyền thông quốc tế.
Khi mùa đông khắc nghiệt đã đi, màu xanh đầy sức sống của mùa xuân lại nảy nở trên những vùng tuyết. Khí hậu diễn ra theo qui luật tuần hoàn, con người cũng dựa vào qui luật đó để tìm cách thích nghi và tận dụng tự nhiên để làm cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.
Thanh Tâm