Ngày xưa, than củi là chất đốt quan trọng trong các gia đình Nhật Bản. Đến thời hiện đại, cùng với sự phát triển của điện, khí đốt và xăng dầu, người ta nghĩ rằng than củi sẽ biến mất. Nhưng nó vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu ở đất nước này.

Than củi vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật

Vào thời Trung Cổ, phương pháp làm than củi chất lượng cao của Nhật Bản đã được truyền sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Từ đó, cách làm than củi của người Nhật trở nên nổi tiếng trên thế giới. Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn của nước Nhật, than củi vẫn là chất đốt ưa chuộng của người dân.

Trong ẩm thực Nhật Bản, than củi có một vai trò quan trọng, nó được cho là chất xúc tác cần thiết giúp tôn thêm mùi vị nguyên thủy của thực phẩm.

Thị trấn Minabe thuộc tỉnh Wakayama nổi tiếng là nơi sản xuất than củi chất lượng tốt nhất ở Nhật. Người dân địa phương chỉ chọn những cây Ubame – một giống cây thuộc họ sồi, có tuổi thọ từ 20 – 40 năm để làm nguyên liệu sản xuất than. Loại cây này có ưu điểm là thân cây nhỏ, dù chúng sống đến hàng chục năm. Gỗ ubame lại rất chắc và cứng nên than của nó cháy lâu và duy trì độ nóng ổn định trong thời gian dài.

Lò đốt than từ gỗ ubame phải được xây dựng bằng đá tự nhiên trên nền đất đỏ đặc trưng của địa phương. Gỗ ubame sau khi chặt ra thành những đoạn ngắn được đưa vào lò đốt trong suốt 3 ngày. Trong thời gian này, cửa lò được bịt kín bằng gạch và đất sét, chỉ chừa vài lỗ nhỏ để thoát hơi.

Than củi ubame xuất xứ từ thị trấn Minabe được người Nhật gọi là Binchotan

Đến hết ngày thứ 3, người thợ đốt than phá một phần đất sét ở cửa lò để tạo khoảng trống giúp không khí tràn vào bên trong. Lúc này, nhiệt độ trong lò cần được nâng lên để gỗ cháy gần như hoàn toàn, đồng thời, nhiệt cũng sẽ làm bốc hơi hết lượng nước còn tồn đọng trong than. Đây là công đoạn rất quan trọng nên chỉ những người thợ đốt than nhiều năm kinh nghiệm mới được đảm trách. Nếu nhiệt độ trong lò quá thấp, các thanh gỗ sẽ không cháy đến độ cần thiết dẫn đến tình trạng than kém chất lượng, nếu nhiệt độ quá cao, than sẽ cháy thành tro. Người thợ dựa vào sự thay đổi màu sắc của ngọn lửa trong lò để điều chỉnh nhiệt độ.

Đến lúc dỡ lò đốt than, người thợ sẽ mở hoàn toàn cửa lò để nhiệt độ bên trong thoát ra ngoài. Lúc này, nhiệt độ trong lò lên đến 1.200 độ C, các thanh gỗ đã cháy thành than và than có màu vàng cam. Sức nóng khủng khiếp thoát ra từ lò đốt buộc người thợ phải đứng cách cửa lò 4 mét trong lúc cào than ra ngoài. Đây là một công việc rất vất vả mà không phải ai cũng có thể chịu đựng.

Nhiệt độ trong lò đốt than là rất lớn

Ngay sau khi lấy ra khỏi lò đốt, những thanh than đỏ rực được nhanh chóng vùi trong đất để làm nguội. Mẻ than xem như đã hoàn tất. Tuy nhiên, mẻ than được cho là thành công và than có phẩm chất tốt phải đáp ứng các tiêu chí đặc trưng, trong đó, nổi bật nhất là mặt cắt của thanh than phải có màu đen bóng, khi gõ hai thanh than vào nhau, chúng phải phát ra âm thanh leng keng lảnh lót tựa như tiếng kim loại va vào nhau.

Than củi ubame xuất xứ từ thị trấn Minabe được người Nhật gọi là Binchotan. Bên cạnh đặc tính cứng và lâu tàn, than binchotan còn tỏa ra mùi đồ nướng nên rất được giới đầu bếp ưa chuộng.

Nước Nhật có 70% diện tích là rừng bao phủ nên từ xa xưa người dân đã biết đốt gỗ lấy than làm nhiên liệu. Than xuất hiện từ thời Jomon, cách đây khoảng 4.000 năm.

Đến thời Nara, thế kỷ thứ VIII, Thiên hoàng Shomu đã ra lệnh xây dựng một công trình Phật giáo đồ sộ dùng than củi làm nguồn nhiên liệu chủ yếu. Đó là bức tượng Đại Phật bằng đồng được thờ tại chùa Todaiji. Tượng cao 14,7 mét, được đánh giá là bức tượng Phật bằng kim loại lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Năm 2006, các nhà nghiên cứu đã tái hiện phương pháp đúc tượng Đại Phật bằng cách tạo ra một bức tượng mới có kích thước bằng 1/30 tượng thật. Họ cho đồng và than vào một chiếc lò, đốt cháy than để nấu đồng. Sức nóng của than làm đồng tan chảy. Người xưa có thể đã sử dụng cách nấu đồng đơn giản này để đúc tượng Phật khổng lồ.

Than củi đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực

Đến thời Heian, giới quý tộc và tầng lớp thượng lưu bắt đầu sử dụng than củi làm nhiên liệu sưởi ấm. Chất lượng than lúc này được đòi hỏi rất cao, do nhà của người Nhật chủ yếu bằng gỗ nên than dùng sưởi ấm phải là loại than duy trì nhiệt lâu, không sinh khói và tia lửa dễ gây cháy. Vì thế, giá thành của mặt hàng này rất cao, giới bình dân không có khả năng tiếp cận.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *