Khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, Taro rời khỏi thủ đô Paris trở về Nhật Bản. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nhật Bản bại trận và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm sáng tác sung mãn nhất của Taro Okamoto. Chủ đề trong các tác phẩm của ông gắn liền với những chuyển biến kinh tế – xã hội Nhật Bản giai đoạn này.
Năm 1949, Taro cho ra đời tác phẩm “Công nghiệp nặng”. Bức tranh vẽ hình ảnh máy móc và những con người quay cuồng bên guồng máy công nghiệp đó. Tác phẩm phản ánh nền kinh tế Nhật Bản đang dần ổn định và phát triển mạnh mẽ giai đoạn sau chiến tranh.
![]() |
Tác phẩm “Công nghiệp nặng” phản ánh nền kinh tế Nhật Bản đang dần ổn định và phát triển mạnh mẽ giai đoạn sau chiến tranh |
Một bức tranh nổi bật khác của Taro có tên gọi “Luật rừng” được họa sĩ sáng tác vào năm ông 39 tuổi. Tác phẩm thể hiện quang cảnh rừng rậm, tâm điểm là con quái vật màu đỏ khổng lồ khiến các loài thú khác khiếp sợ. Con quái vật tượng trưng cho sức mạnh của đồng tiền. Bức tranh sơn dầu của Taro được đánh giá là rất thành công khi ông lột tả vẻ đau đớn của con vật đang oằn mình dưới nanh vuốt của quái thú. Taro đã mượn hình ảnh biểu trưng này để nói lên sự khắc nghiệt của qui luật cuộc sống – kẻ yếu luôn bị ức hiếp.
Theo quan niệm của Taro, sức mạnh của đồng tiền hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Tiền có thể khiến cuộc sống con người thoải mái hơn nhưng nó cũng là nguồn gốc phát sinh nhiều tội lỗi. Tác phẩm “Luật rừng” đã chính thức khẳng định vị thế của họa sĩ Taro Okamoto trong nền hội họa hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX.
![]() |
Tác phẩm “Luật rừng” đã chính thức khẳng định vị thế của họa sĩ Taro Okamoto trong nền hội họa hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX |
Năm 1951, Taro ở vào độ tuổi 40. Đây là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ tài năng này. Mọi việc bắt nguồn từ chuyến thăm của ông đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Trong chuyến đi này, Taro bị hấp dẫn bởi những di vật bằng đất nung có từ thời tiền sử Jomon.
Bên cạnh các vật dụng dùng trong sinh hoạt hoặc trang trí, người Nhật cổ đại còn tạo ra những tác phẩm hình người bằng đất nung, trong đó, phổ biến nhất là chủ đề về người phụ nữ. Điều này chứng tỏ rằng, vai trò của nữ giới rất được chú trọng trong xã hội Nhật Bản cổ xưa. Taro đã xin phép Ban quản lý Bảo tàng Quốc gia Tokyo cho ông chụp lại hình ảnh của những cổ vật thời Jomon. Văn hóa thời kỳ Jomon đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác sau này của Taro. Ông cho rằng, văn hóa Jomon, vốn nổi bật với nghệ thuật tạo hình nổi trên đồ gốm, là một trong những nền văn hóa đáng tự hào của khu vực châu Á.
Niềm say mê đối với văn hóa Jomon đã thôi thúc Taro Okamoto đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh của Tohoku và Okinawa để tìm kiếm những gì liên quan đến thời tiền sử này. Ở mỗi nơi đặt chân đến, ông đều ghi lại hình ảnh sinh hoạt, hội hè và phong tục của người dân địa phương.
Tỉnh Iwate thuộc vùng Tohoku là nơi gây nhiều ấn tượng nhất cho họa sĩ Taro. Cư dân trong vùng vẫn duy trì những giá trị văn hóa truyền thống có từ thời cổ xưa, trong đó có điệu múa dân gian Shishi Odori. Người thực hiện điệu múa này mang mặt nạ trang trí như đầu con nai với cặp sừng nhọn.
“Shishi Odori tạo cho tôi cảm giác giữa con người và loài vật không có khoảng cách, hai đối tượng như một thể thống nhất. Điệu múa thể hiện quan niệm xem trọng tính hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Người xưa xem loài nai là con vật có lợi cho nông nghiệp, nó giúp người nông dân xua đuổi côn trùng gây hại”, Taro ghi lại.
Bên cạnh điệu múa Shishi Odori, Taro rất hào hứng với lễ hội kéo cây độc đáo được lưu truyền từ thời Jomon. Lễ hội có tên Onbashira sai, được tổ chức 6 năm 1 lần ở đền thờ Thần đạo Suwa của tỉnh Nagano. Lễ hội có lượng người tham gia rất đông, nhiều lúc lên đến hơn 200.000 người, gồm cư dân địa phương và cả những người ở nơi khác đến. Mọi người có nhiệm vụ vận chuyển một khúc gỗ khổng lồ từ trong rừng về đền thờ Suwa để dựng cột trước cổng đền. Những người trực tiếp thực hiện nghi thức chuyển gỗ đều là nam giới, nhiệm vụ của họ là dùng sức người kéo khối gỗ nặng khoảng 10 tấn, dài 80 mét trên đoạn đường nhiều đồi dốc về đến đền thờ.
Những trải nghiệm thực tiễn mà Taro có được trong quá trình tiếp cận nền văn hóa Jomon đã ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của nhà nghệ thuật này. Năm 1952, ông bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực điêu khắc. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ thời Jomon của Taro đều được đánh giá có tính nghệ thuật cao và ý tưởng mới lạ.
![]() |
![]() |
"Chuông chùa hoan hỉ" mang sự sáng tạo mới mẻ vào truyền thống cổ xưa |
Taro đã mang sự sáng tạo mới mẻ vào truyền thống cổ xưa. Một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo này là chiếc chuông đồng hình thù kỳ dị có tên gọi “Chuông chùa hoan hỉ”, thể hiện sự hân hoan của con người và vạn vật trong vũ trụ. Trên chuông, Taro trang trí nhiều sừng thú và chạm khắc hình ảnh con người đang trong tư thế bay bổng. Ông dành tặng chiếc chuông này cho một ngôi chùa ở Nhật Bản.
“Chuông chùa hoan hỉ” được hoàn tất vào năm 1981 và Taro là người gióng lên hồi chuông đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Taro đưa ra khẩu hiệu “Nghệ thuật là ma thuật”. Khẩu hiệu này trở nên rất nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của Taro cho đến tận ngày nay.
Thanh Tâm