Okamoto Taro là họa sĩ nổi tiếng và là nhà mỹ thuật tiên phong của nền hội họa hiện đại Nhật Bản vào thế kỷ XX. Với hai khẩu hiệu tự đề xướng “Nghệ thuật là sự bùng nổ” và “Nghệ thuật là ma thuật”, Okamoto Taro đã cho ra đời những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ.
Họa sĩ Okamoto Taro |
Trong 84 năm cuộc đời, họa sĩ Taro đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có Chiến tranh Thế giới thứ II. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng sáng tác của ông. Bên cạnh những bức tranh nổi tiếng, Okamoto Taro còn là tác giả của công trình mang tên “Tháp Mặt trời” – ngọn tháp cao 70 m được xây dựng vào năm 1970 nhân dịp Nhật Bản tổ chức Hội chợ Quốc tế Expo’70. Ngọn tháp khổng lồ này đã được Uỷ ban Văn hóa Nhật Bản đưa vào danh sách 100 tác phẩm nghệ thuật đại chúng xuất sắc nhất.
Tháp Mặt trời được xếp vào danh sách 100 tác phẩm nghệ thuật đại chúng xuất sắc nhất |
Okamoto Taro sinh ngày 26/02/1911 tại thành phố Kawa-saki thuộc tỉnh Kana-gawa. Cha mẹ ông đều là những nhà nghệ thuật nổi tiếng. Cha của ông là họa sĩ vẽ truyện tranh Ippei Okamoto – một trong những họa sĩ truyện tranh Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách sáng tác phương Tây. Mẹ của ông, bà Kanoko Okamoto là nhà thơ, tiểu thuyết gia và cũng là một học giả nghiên cứu về Phật giáo được nhiều người biết đến.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật cùng với năng khiếu vẽ tranh bẩm sinh nên ngay từ nhỏ, Taro đã được cha mẹ hướng đến con đường hội họa. Bức tranh “Nỗi đau đớn sau khi trò chơi thất bại” do Taro sáng tác vào năm 14 tuổi được đánh giá là sự khởi đầu đầy hứa hẹn của một tài năng mỹ thuật Nhật Bản tương lai.
Năm 18 tuổi, Taro cùng cha mẹ đến một số nước châu Âu để bà Kanoko Okamoto có dịp nghiên cứu về văn chương. Đây cũng là cơ hội để Taro tiếp xúc với những danh họa tại cái nôi nghệ thuật Paris.
Tại Paris, Taro đã gặp gỡ nhiều nhân vật danh tiếng trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ. Một trong số đó có danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso – người sáng lập nên trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc.
"Cánh tay thương tích" – tác phẩm đánh dấu sự gia nhập của Taro vào thế giới hội họa trừu tượng |
Sau 6 năm sinh sống và học tập tại Paris, Taro đã cho ra đời bức tranh mang tên “Cánh tay thương tích”. Bức tranh vẽ một người chỉ có cánh tay phải và gương mặt được thay bằng chiếc nơ màu đỏ. Trên cánh tay quấn sợi dây ruy-băng trong khi bàn tay nắm chặt đầu dây thể hiện sự chịu đựng. Bức tranh được vẽ theo trường phái trừu tượng, trong đó mượn hình ảnh của cánh tay và chiếc nơ đỏ để lột tả ý chí của con người vượt qua nỗi đau.
Với tác phẩm này, Taro đánh dấu sự gia nhập của ông vào thế giới hội họa trừu tượng. Giới phê bình nghệ thuật tại Pháp lúc bấy giờ cũng đánh giá rất cao tác phẩm “Cánh tay thương tích” của ông. Họ gọi đó là sự giải phóng những tư tưởng truyền thống bó buộc của phương Đông để hòa vào dòng chảy tự do của nghệ thuật phương Tây.
Thanh Tâm