Một số loài san hô trông giống như hoa, số khác lại giống như đá nhưng ít ai biết rằng, tất cả chúng đều là động vật. Những lớp cứng bên dưới là phần móng. San hô sản sinh ra đá vôi và dần phát triển chồng lên nhau, tạo ra hàng triệu ngôi nhà san hô khác nhau. Từng bước một, chúng hình thành nên các rạn san hô khổng lồ. Hầu hết các bờ biển nhiệt đới đều được các rạn san hô bảo vệ. Chúng luôn đứng vững trước sức mạnh của biển cả.

San hô và cá có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau

San hô Russy có nguồn gốc từ Fiji – hòn đảo nằm ở phía đông bắc của Australia và thuộc vùng biển Nam Thái bình dương. Hàng thế kỷ qua, loài san hô này luôn sống gần bờ biển.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, một số rạn san hô Russy đã chuyển thành một màu đen. Đó là cái chết đen. Vậy điều gì đã khiến các rạn san hô Russy chết đi? Hai trong số những nguyên nhân đó là con người đánh bắt cá quá mức cho phép và nước biển ấm hơn mức bình thường khoảng 2 độ C.

Tại hầu hết các vùng biển thuộc Thái bình dương, các loài cá lớn đều có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu có quá nhiều loài cá bị biến mất, san hô sẽ chết. Đó là lý do tại sao đánh bắt quá mức sẽ phá hủy các rạn san hô.

Cá được xem là loài bảo vệ rạn san hô vì đó là nơi chúng ẩn náu. Có thể nói san hô và các loài cá có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ ấy đôi khi thể hiện rất rõ, nhưng cũng có khi là vô hình. Đối với một số loài sinh vật thì san hô là đối tác quan trọng nhất. Có một số loài tảo nhỏ sống bên trong san hô và hầu hết các mô tảo này nhờ ánh sáng mặt trời để sản xuất đường. Đó là nguồn thực phẩm chính cung cấp năng lượng để tạo nên các rạn san hô.

Các nhà khoa học nói rằng hầu hết san hô không thể tồn tại mà không cần sự trợ giúp của tảo. Nhưng hiện tượng nước biển trở nên ấm lên một cách bất thường sẽ đe dọa nghiêm trọng đến mối quan hệ này. Nếu tảo không có nguồn năng lượng, tức không thể hấp thu được ánh sáng mặt trời thì san hô sẽ chết và chuyển thành màu trắng.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *