Sa mạc Gobi chiếm khoảng 1/3 diện tích của đất nước Mông Cổ. Sa mạc này có môi trường sinh thái đa dạng như các vùng đồng cỏ, các vùng có nhiều đá, các hồ nước và vô số đụn cát.

Các vùng đồng cỏ ở sa mạc Gobi là nơi có dân cư thưa thớt nhất ở Mông Cổ, mật độ dân số khoảng 1 người/ 2km2. Hầu hết các cư dân sống ở sa mạc Gobi là những người du mục chăn nuôi gia súc. Mỗi năm, họ di chuyển chổ ở nhiều lần khi thời tiết thay đổi. Người du mục Mông Cổ vẫn duy trì cách sống giản đơn như ngàn năm trước. Họ đã thích nghi tốt với những điều kiện sống khắc nghiệt và xem những vùng đất cằn cỗi hoang vắng của sa mạc Gobi là nhà.

 

Nhà truyền thống của người Mông Cổ là lều để có thể dễ dàng dựng lên hay hạ xuống chỉ trong vài giờ. Chúng có hình tròn, được làm bằng những khung cây nhẹ, phía ngoài phủ bằng những tấm nỉ lông cừu, da thú hoặc vải bạt rất dày. Mái nhà được nâng đỡ bằng những cây cột trang trí tỉ mỉ. Trên mái có khoảng trống hình tròn để ánh sáng và không khí trong lành dễ dàng vào trong lều.

 

Cửa vào lều nằm phía Bắc rất đặc biệt, chỉ dành cho những người lớn tuổi và khách quý. Phần lều phía Bắc là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và rất nhiều bức ảnh gia đình. Giường ngủ được bố trí vòng theo vách lều. Bếp được đặt ở giữa lều dùng cho việc nấu nướng và giữ ấm.

Các gia đình trong họ hàng thường dựng lều gần nhau để mọi người có thể viếng thăm nhau hằng ngày và dễ dàng giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hay di chuyển các đàn gia súc. Cuộc sống của người du mục ngày nay có sự hòa lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Lều được trang bị nhiều thiết bị hiện đại chẳng hạn như TV, xe máy và cả pin năng lượng mặt trời.

Tuy có thể mua được xe máy nhưng cư dân du mục vẫn nuôi những con ngựa vì chúng là loại phương tiện vận chuyển lý tưởng nhất trên sa mạc Gobi và rất thuận tiện khi trông coi đàn gia súc.

 

Ngựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của dân du mục Mông Cổ. Những con ngựa luôn sát cánh bên họ trong công việc. Nguồn gốc của loài ngựa Mông Cổ vẫn chưa được biết chính xác, mặc dù hình ảnh những người dân du mục trên lưng ngựa đã được ghi nhận trong các tài liệu ở vùng Trung Á vào năm 2000 trước Công nguyên. Giống ngựa Mông Cổ vẫn được duy trì từ thời của Thành Cát Tư Hãn cho đến ngày nay. Đế chế của ông ấy đã phát triển mạnh một phần nhờ vào sự dũng cảm và mạnh mẽ của những con ngựa Mông Cổ.

 

Các chiến binh luôn gắn bó với những con ngựa. Khi họ qua đời, xác của con ngựa cũng được chôn cất ngay bên cạnh. Ngựa Mông Cổ là giống ngựa thuần chủng và rất mạnh khỏe, là niềm tự hào của dân du mục nơi đây.

Thanh Trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *