Tại Nhật Bản, hầu như tất cả trẻ em đều ít nhất một lần trong đời chơi trò xếp giấy origami. Trò chơi này không cần phải tốn nhiều tiền. Chỉ cần vài tờ giấy hình vuông hoặc hình chữ nhật nhiều màu sắc là đủ, không cần phải sử dụng đến kéo hoặc hồ dán.

Nghệ thuật xếp giấy origami có thể bắt chước hình dáng của nhiều sự vật trong tự nhiên. Hạc giấy là một trong những đại diện điển hình nhất trong nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản.

Người Nhật tin rằng, hạc là loài chim mang lại may mắn, tuổi thọ của nó có thể kéo dài đến ngàn năm.

Tại Nhật, trẻ em luôn được những người thân trong gia đình và thầy cô hướng dẫn trò chơi xếp giấy. Từ một mảnh giấy đơn giản, các em có thể tự tạo cho mình nhiều hình dạng của sự vật mà chúng yêu thích. Origami không chỉ là trò chơi thú vị của trẻ con, mà còn là nơi chúng ấp ủ những ước mơ.

Kỹ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản đã phát triển trong thời gian rất dài và đạt đến đỉnh cao với sự ra đời của nhiều kiểu mẫu phức tạp. Hơn nữa, đối với người Nhật, origami mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Họ xem thú chơi xếp giấy là một phần văn hóa và truyền thống quốc gia hơn là một hình thức nghệ thuật.

Origami là sự kết hợp giữa hai từ “oru” nghĩa là xếp và “kami” là giấy. Trong origami, giấy là nguyên liệu tối quan trọng. Kỹ thuật chế tạo giấy ra đời tại Trung Quốc, sau đó du nhập sang Nhật vào khoảng thế kỉ thứ VII.

Đến thế kỉ thứ VIII, kỹ thuật sản xuất giấy tại Nhật Bản đã phát triển vượt bậc với sự ra đời của giấy washi, một loại giấy đặc trưng của người Nhật.

Vào thời đó, giấy washi là mặt hàng rất có giá trị, chỉ những người thuộc thành phần quí tộc, tăng lữ mới có thể sử dụng. Giấy washi trắng được người Nhật xem là vật linh thiêng. Theo quan niệm của họ thì màu trắng là màu của sự trong sạch, không ô uế.

Trên cổng đền thờ Thần đạo, người ta thường treo những dây thừng làm bằng rơm shimenawa, trên đó có quấn thêm những chuỗi shide bằng giấy washi trắng có hình dạng như tia sét. Mục đích của việc trang trí này là nhằm xua đuổi tà ma và tránh hoen ố nơi linh thiêng.

Ngoài ra, người Nhật cũng cắt giấy thành hình nhân rồi thả trôi theo dòng sông hoặc suối. Họ tin rằng, dòng nước sẽ giúp cuốn đi những điều không may mắn. Trong ngày lễ búp bê của trẻ em Nhật Bản, các hình nhân bằng giấy cũng được thả theo dòng nước với hy vọng nước sẽ giúp tẩy xóa những đức tính xấu tồn tại trong người các bé.

Giấy washi còn được người Nhật sử dụng để gói quà, đó là những món quà đặc biệt thể hiện sự trang trọng, lịch sự bởi vẻ trau chuốt từ giấy gói bên ngoài. Có rất nhiều kiểu gói quà từ giấy washi, mỗi hình thức mang một ý nghĩa riêng biệt.

Gói quà bằng giấy washi đã trở thành một nghệ thuật có tên gọi origata. Origata ra đời tại Nhật cách đây khoảng 600 năm, vào thời điểm giai cấp võ sĩ samurai thống trị Nhật Bản. Họ là những người đã sáng tạo ra mẫu mã của origata. Trong giai đoạn này, origata chỉ được những người có quyền hạn và địa vị trong xã hội sử dụng.

Origata không chỉ là cách trang trí cho món quà thêm phần trang trọng và đẹp mắt, mà dựa vào đó, người ta có thể biết được mối quan hệ giữa người tặng và người nhận cũng như sự kiện sắp xảy ra.

Ngoài loại giấy washi trắng, người Nhật còn phối hợp với giấy washi màu trong origata. Màu sắc cùng hoa văn trang trí theo chủ đề truyền thống là thông điệp bằng lời mà origata muốn chuyển tải ý nghĩa đến người nhận.

Mẫu origata mô phỏng theo hình dáng của loài bướm là một món quà tặng cầu chúc mọi việc thuận lợi, suôn sẻ vì người Nhật tin rằng, bướm tượng trưng cho may mắn. Nghệ thuật xếp giấy origami được phát triển dựa trên những nếp gấp căn bản từ kỹ thuật origata.

Đến thời Edo, vào đầu thế kỉ XVI, kỹ thuật làm giấy washi đã phát triển mạnh mẽ trong dân chúng, kéo theo đó là sự phổ biến rộng rãi của origata trong dân gian. Không lâu sau, hình ảnh của chim hạc, thuyền và rất nhiều sự vật khác trong cuộc sống đã được tái hiện trên những mô hình bằng giấy. Từ đó, nó trở thành một loại hình giải trí rất được ưa chuộng. Thuật ngữ origami chính thức ra đời từ năm 1880.

Kỹ thuật chế tác origami đã phát triển cao độ vào thời Edo. Đến thế kỉ thứ XX, người Nhật không còn xem chim hạc là là biểu tượng duy nhất trong origami mà hình ảnh của loài chim này còn mang một ý nghĩa đặc biệt khác.

Tại công viên Hòa bình ở thành phố Hiroshima, nơi Mỹ ném quả bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, có một tượng đài mang tên Tượng đài Hòa bình của trẻ em. Tượng đài được xây dựng dựa trên câu chuyện cảm động có thật của cô bé Sadako Sasaki.

Sadako là một trong những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima. Cô bé mắc bệnh ung thư máu do nhiễm phóng xạ. Bệnh bộc phát khi Sadako 11 tuổi. Với mong muốn được khỏi bệnh, nên sau khi nghe câu chuyện nói rằng, nếu ai gấp được 1.000 con hạc giấy, người đó sẽ được một điều ước. Cô bé Sadako đã bắt đầu gấp hạc giấy với ước nguyện mình sẽ lành bệnh. Mặc cho những cơn đau thể xác dày vò, chỉ trong vòng 1 tháng, cô bé đã gấp được 1.000 con hạc giấy. Tuy nhiên, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh, Sadako đã từ giã cõi đời khi mới 12 tuổi.

Nghệ thuật Origamid đã có từ rất lâu

Câu chuyện về khát vọng sống và nghị lực của cô bé Sadako đã khiến cả thế giới xúc động. Nhiều người nước ngoài đã gấp hạc giấy và đến đặt tại đài tưởng niệm Hiroshima với lời cầu nguyện cho hòa bình. Câu chuyện của Sadako đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỉ, nhưng cho đến nay, nó vẫn còn nguyên vẹn tại công viên Hiroshima. Từ đó, hạc giấy mang thêm một ý nghĩa đặc biệt nữa : biểu tượng của hòa bình.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *