Bonsai là sự mô phỏng hình dáng của sự vật trong tự nhiên. Nó rất đa dạng, từ hình dáng của biển cả bao la đến núi non hùng vĩ, tất cả được tái hiện trong một không gian nhỏ bé của chiếc chậu sành.
Bonsai là một nghệ thuật nên nghệ nhân chơi bonsai cần tuân thủ một số qui luật, trong đó, thế và dáng của bonsai là rất quan trọng.
Tác phẩm bonsai theo thế “thác đổ” hay còn được gọi là kengai. Có thế cây tựa như một thác nước đang tuôn chảy. Để tạo nên một chậu bonsai thế kengai, người ta phải chọn cây thông trong thiên nhiên có rễ bám chặt vào vách núi, thân nghiêng theo chiều gió.
Tác phẩm bonsai theo thế “thác đổ” |
Ngoài dạng bonsai một thân, chúng ta còn có dạng bonsai đa thân hay còn gọi là dạng cụm kabudachi. Bonsai dạng cụm kabudachi thường được tạo theo thế rừng rậm, quang cảnh tự nhiên thường gặp tại Nhật Bản.
Bonsai đa thân |
Mỗi dạng cây trong tự nhiên đều mang một nét độc đáo, từ vẻ đẹp oai vệ đến nét kiêu sa yểu điệu. Nỗ lực của nghệ sĩ bonsai là tái hiện toàn bộ dạng cây theo một mô hình nhỏ bé, song phải bộc lộ toàn bộ đặc tính của tự nhiên, bên cạnh đó là sự sáng tạo sao cho tác phẩm của họ hội đủ các yếu tố: đẹp, dễ nhìn và có hồn.
Bên cạnh việc thưởng lãm vẻ đẹp của toàn thân và sự hòa điệu của cây với chậu trồng, tuổi thọ của cây cũng là yếu tố quan trọng rất được người chơi bonsai quan tâm. Cây càng lâu năm, giá trị của nó càng được nâng lên.
Nét cổ thụ của bonsai được thể hiện qua phần gỗ khô bạc thếch trên thân cây |
Nét cổ thụ của bonsai được thể hiện qua phần gỗ khô bạc thếch trên thân cây. Đặc điểm này có thể được tạo nên nhờ kỹ thuật can thiệp nhân tạo của các nghệ nhân, vết gỗ trắng trông giống như xương người. Vì vậy, người Nhật đã trân trọng gọi nó là shari, theo tiếng Phạn có nghĩa là “xương Phật”.
Người ta dựa vào vân cây để xác định tuổi thọ của bonsai, phương pháp đó được gọi là mizusui. Bonsai lâu năm phải đáp ứng đủ hai yếu tố, đó là sự kết hợp giữa mizusui và phần gỗ khô shari.
Thanh Tâm