Philipppines là quốc gia có 7.107 hòn đảo lớn nhỏ. Những hòn đảo này đã tạo nên vô số những mảng màu xanh nhấp nhô trên bờ biển. Người Philipppines mưu sinh chủ yếu dựa vào nghề nông. Mỗi khi thu hoạch xong một vụ mùa nông sản, nông dân lại tất bật chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới. Đây cũng là thời điểm người dân Philipppines tổ chức lễ hội “Harvest” – lễ hội thu hoạch mùa vụ.

Thị trấn Tayabas tổ chức lễ hội vụ mùa hoàn toàn khác với thị trấn láng giềng Lucban. Theo tiếng Philippines, lễ hội vụ mùa được gọi là Mayohan Sa Tayabas. Người Philippines mượn lễ hội này nhằm biểu đạt sự biết ơn và sự yêu thích đối với những nông sản mà họ thu hoạch được.

Người dân Tayabas là những người yêu lao động, vui vẻ và nhiệt tình. Trong lễ hội, người ta sẽ thưởng thức đặc sản của vùng – rượu nước hoa dừa. Người Philippines lấy nước từ hoa dừa, sau đó đưa đến xưởng rượu lên men để hoàn thành quá trình chưng cất rượu.

Suman – một loại bánh ở Philippines

Ngày diễn ra lễ hội, khắp nơi trên thị trấn Tayabas ngập tràn bầu không khí tưng bừng và náo nhiệt. Đoàn diễu hành đi ngang qua từng nhà một. Theo tục lệ, người tham dự lễ hội phải ném suman vào nhau. Suman là một loại thực phẩm gần giống như bánh chưng hay bánh tét của người Việt. Rất nhiều người tranh nhau những miếng suman. Người dân địa phương tin rằng, người nào đoạt được nhiều suman thì những khát vọng và mong ước của họ sẽ có nhiều cơ hội trở thành hiện thực.

Điều đặc biệt là, chỉ có nam giới mới được tham gia hoạt động này. Đoạt được suman giữa đám đông cuồng nhiệt là việc dễ gây nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ. Hằng năm, thị trấn Tayabas phải chuẩn bị khoảng 15.000 cái suman phục vụ lễ hội Harvest.

Đối với một nước nông nghiệp như Philiippines thì trâu là con vật rất quan trọng. Hằng năm, người dân Bulacan – Philippines tổ chức lễ hội Carabao – tức là lễ hội trâu. Lễ hội thể hiện mối quan hệ cộng sinh giữa loài vật này với con người và tỏ lòng biết ơn của người nông dân đối với sự cần mẫn của loài trâu.

Một con trâu được trang trí đang trên đường đi đến nhà thờ để nhận sự chúc phúc của thần bảo vệ

Người Pulilan ở tỉnh Bulacan sẽ tắm rửa và trang trí cho con trâu của họ trong dịp lễ hội. Họ xem con trâu là một phần tử trong gia đình. Sau khi trang trí xong, những con trâu sẽ được dẫn đi diễu hành khắp thị trấn. Điểm dừng chân cuối cùng là nhà thờ. Tại đây, con trâu nhận được sự chúc phúc của thần bảo vệ.

Núi lửa Taal là một ngọn núi lửa kỳ lạ. Trong hố miệng núi lửa có một núi lửa nhỏ. Chính vì thế, núi lửa Taal còn gọi là "núi lửa mẹ con". Miệng núi lửa chứa nhiều nước nên gọi là hồ Taal. Taal trở thành kỳ tích có một không hai của tự nhiên – trong núi có núi, trong hồ có hồ. Ngồi thuyền đi đến miệng núi lửa còn hoạt động là một điều rất thú vị. Người ta tin rằng, nếu bạn đạp chân lên núi lửa còn đang âm ĩ hoạt động, chủ yếu là bên rìa của núi lửa thì công việc làm ăn sẽ ngày càng thịnh vượng và phát đạt.

Núi lửa Taal – trong núi có núi, trong hồ có hồ

Đảo Palawan được xem là “thiên đường giữa chốn nhân gian”. Đây là một hòn đảo nằm ở cuối miền Tây Philippines nên được gọi là “biên giới cuối cùng”.

Puerto Princesa là thành phố thủ phủ của Palawan. Khắp vùng Puerto Princesa đều có rừng đước phủ xanh. Mọi người cho rằng, Puerto Princesa là nơi con người có thể bơi lội cùng cá, hát cùng chim, bay lượn cùng bướm.

Bãi biển ở Puerto Princesa

Sông ngầm Puerto Princesa cách thành phố cùng tên 50 km về phía Bắc. Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, sông ngầm là nơi trú ẩn của nhiều bộ lạc. Để bảo tồn quang cảnh tự nhiên này, chính quyền thành phố đã giới hạn lượng khách vào tham quan sông ngầm hằng ngày. Vào sâu trong sông ngầm thì càng tối, vì vậy, đây là nơi trú ẩn tuyệt vời của loài dơi.

Lễ hội vụ mùa ở Sariaya giống như một nét chấm phá trong bức họa văn hóa đặc sắc của địa phương. Lễ hội Sariaya là một phần trong các hoạt động để nông dân thị trấn cảm ơn vị thần bảo vệ họ. Từ đó, Lucban mới có lễ hội vụ mùa; Tayabas có lễ hội Agawan và ở Sariaya này có lễ hội Bagahai Agawan.

Bagahai theo tiếng địa phương nghĩa là cây trúc non. Nông dân sẽ treo lên cây trúc các loại nông sản và đặt nó trước nhà mình. Vào ngày lễ, khắp nơi trên phố tràn ngập các loại nông sản và nhiều vật phẩm đặc biệt khác. Mọi người đều có thể lấy vật phẩm này về nhà. Họ tin rằng, những vật phẩm này sẽ mang lại vận may cho họ.

Lễ hội vụ mùa kết thúc cũng là lúc một mùa vụ mới bắt đầu. Sau lễ hội, người dân trở lại ruộng đồng với niềm hy vọng mới cùng sức mạnh của tình đoàn kết và sự quyết tâm để cho mùa vụ sau tốt đẹp hơn.

Một vòng quay mới lại bắt đầu. Cây cối lại ra hoa và kết trái. Những điệu múa, lời ca tiếp tục vang lên nuôi dưỡng cho truyền thống dân tộc mãi trường tồn.

Hoa Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *