Người Trung Quốc thường nói : “Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô Hàng nhị châu”. So với nhiều khu vườn cảnh tư nhân tụ hợp ở Tô Châu, thành phố Hàng Châu là một khu vườn cảnh sơn thủy tự nhiên đan xen hài hòa với phong cảnh nhân tạo.
Hàng Châu có nhiều di tích kiến trúc lịch sử lâu đời như con kênh đào ngàn năm, nhiều phong cảnh xinh đẹp và độc đáo. Thành phố lâm viên Hàng Châu được ví von là thiên đường nhân gian với phong cảnh Tây Hồ xinh đẹp.
Mặt nước Tây Hồ trong xanh, phía sau Tây Hồ được núi non bao bọc |
Nhà thơ đời nhà Tống Tô Đông Pha đã từng viết nên nhiều câu thơ so sánh vẻ đẹp của Tây Thi với Tây Hồ.
Trong suy nghĩ của những văn nhân cổ đại, hồ nước trong vắt như là hóa thân của nàng Tây Thi – một trong tứ đại mỹ nhân thời cổ của Trung Quốc. Bất luận dòng chảy thời gian, bất luận là xuân, hạ, thu hay đông, liễu xanh nghiêng mình rũ bóng xuống mặt hồ tạo nên vẻ đẹp thướt tha say đắm lòng người. Vì vậy, Tây Hồ còn được gọi bằng một cái tên khác là Hồ Tây Tử.
Hàng liễu nghiêng mình rũ bóng xuống mặt nước Tây Hồ |
Hàng Châu nằm trong đồng bằng châu thổ sông Trường Giang, phía Nam giáp với biển cả, phía Bắc giáp với núi đồi. Hoàn cảnh tự nhiên, sông ngòi, hồ nước, núi non độc đáo đan xen vào nhau là yếu tố chủ yếu hình thành nên Tây Hồ Hàng Châu. Ba mặt Tây Hồ được bao bọc bởi núi. Hồ có tổng diện tích là 5.65 kilomet vuông. Nó từng là một phần của biển Đông.
Hàng Châu là thành phố giáp biển, vì thế, vùng đất này ngập tràn nước mặn. Duy chỉ có Tây Hồ được nước suối gột rửa từ xưa nên nó trở thành nguồn nước ngọt chủ yếu để sinh tồn.
Tây Hồ – vốn là một vịnh nhỏ của sông Tiền Đường – do bùn đất sông này không ngừng lắng đọng và tích tụ tạo thành một con đê chặn trước cửa ra vào, ngăn cách hoàn toàn vịnh và biển cả. Chính vì thế, một hồ cạn ven biển thiên nhiên độc đáo được hình thành.
Lối đi xung quanh Tây Hồ ngập tràn bóng mát |
Trong lịch sử, rất nhiều hồ, ao xung quanh bờ Tây Hồ có cảnh đẹp nổi tiếng. Nhưng hiện tại, chúng đã hoàn toàn biến mất, duy nhất chỉ có Tây Hồ với mặt nước trong xanh tồn tại.
Vào giữa đời Đường, Hàng Châu bắt đầu phồn vinh. Người ta nghĩ đến vấn đề bảo vệ Tây Hồ. Vì vậy, mọi người không ngừng đắp đê, khơi thông luồng lạch chống lại quy luật tự nhiên. Theo sử sách Trung Quốc ghi lại, Tây Hồ đã có hơn 20 lần nạo vét. Người dân Hàng Châu mang bùn đất nạo vét đắp thành hai con đê là Bạch Đê và Tô Đê, lấy theo tên của hai nhà thơ Tô Đông Pha và Bạch Cư Dị. Chính nhờ những lần nạo vét này khiến cho Tây Hồ có thể tồn tại đến ngày nay. Nó là hồ tự nhiên nhưng trên thực tế nó là hồ nhân tạo.
Từ xưa, Tây hồ đã gắn liền với thi nhân. Thế kỷ thứ VII, nhà thơ đời Đường Bạch Cư Dị và nhà thơ đời Bắc Tống – Tô Đông Pha đã từng làm quan ở Hàng Châu. Họ lần lượt đến đây để cải tạo Tây Hồ và đã có nhiều cống hiến to lớn. Mô hình cảnh quan lâm viên Tây Hồ sớm nhất được hình thành trên cơ sở nạo vét nhân tạo.
Tô Đông Pha | Bạch Cư Dị |
Lúc Bạch Cư Dị quản lý Tây Hồ, ông đã trồng cây đào và cây liễu trên con đê, sáng tạo ra ý cảnh “sắc màu hồng của hoa đào quyện với màu xanh lục của lá liễu”.
Đến lượt Bạch Cư Dị, ông mang cảnh sắc đẹp nhất trong lòng mình thể hiện ra ngoài thông qua công việc cải tạo Tây Hồ. Bạch Cư Dị đã giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân thành Hàng Châu, đồng thời lâm viên Hàng Châu đã xuất hiện xung quanh Tây Hồ.
Năm 1089, nhà thơ Tô Đông Pha đảm nhận chức Thứ sử Hàng Châu và chuyên lo công trình nạo vét Tây Hồ. Tô Đông Pha tiếp thu truyền thống tạo cảnh văn nhân. Trong lúc trồng cây và xây bờ đê, ông chú trọng biến hóa bố cục cảnh vật. Ông dùng một lượng lớn bùn đất tích tụ nạo vét được ở Tây Hồ xây thành một con đê dài 2.8km, nối liền Nam Bắc, dùng con đê phân chia mặt nước, hình thành hai vùng nước lớn nhỏ. Đồng thời, ông cho xây dựng cầu để làm nét điểm xuyết cho con đê dài. Nó vừa nối liền mặt hồ, vừa làm phong phú không gian cảnh quan khu vực lâm viên.
Hồng Mẫn