Kimono là trang phục truyền thống của người Nhật. Người Nhật có những quy tắc riêng khi mặc loại trang phục này. Đối với phái nữ, phụ nữ đã có gia đình và thiếu nữ còn độc thân thì mỗi đối tượng có những cách mặc kimono khác nhau.
Furisode là loại kimono thích hợp với các cô gái trẻ chưa có chồng. Thường thì họ mặc Furisode vào những dịp đặc biệt như Năm Mới hoặc trong ngày lễ Trưởng thành. Màu sắc tươi tắn, hoa văn trang trí đẹp mắt trên Furisode giúp tôn thêm vẻ trẻ trung, xinh xắn của người thiếu nữ. Ngoài ra, hai ống tay áo buông dài cũng là nét đặc trưng của Furisode. Ngày xưa, các cô gái dùng cách vẫy ống tay áo để bày tỏ tình yêu với ý trung nhân.
Furisode có hoa văn, màu sắc tươi tắn và hai ống tay áo buông dài
Phụ nữ đã có gia đình thì mặc kimono màu đen có tên gọi Tomesode. Họ thường chọn Tomesode khi tham dự lễ cưới của người thân. Màu đen là màu chủ đạo ở phần thân áo, riêng vạt áo bên dưới được trang trí hoa văn có màu sắc trang nhã. Một điểm nữa để nhận biết Tomesode là trên lưng và hai tay áo có in hình phù hiệu gia tộc của người mặc. Trong khi kimono của thiếu nữ chưa chồng có ống tay áo dài thì Tomesode có ống tay áo ngắn hơn nhiều.
Tomesode có màu đen là màu chủ đạo ở thân áo, vạt áo được trang trí hoa văn
Đến cuối thời Minh Trị, cùng với sự du nhập các kiểu đầm dạ hội của phương Tây, người Nhật cho ra đời nhiều loại kimono phù hợp với phụ nữ đã lập gia đình bên cạnh Tomesode đen truyền thống. Họ gọi đó là Homongi, thiếu nữ và phụ nữ có chồng đều có thể mặc Homongi trong các cuộc viếng thăm theo nghi thức hay các bữa tiệc.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Homongi và Tomesode là họa tiết trang trí trên Homongi được thể hiện khắp mặt vải từ tay áo, thân áo đến vạt áo. Phổ biến nhất là hình hoa và các sự vật trong tự nhiên. Phụ nữ thường chọn Homongi khi tham dự tiệc trà, tiệc họp mặt bạn bè, người thân.
Họa tiết trang trí trên Homongi được thể hiện khắp mặt vải
từ tay áo, thân áo đến vạt áo
Đối với người Nhật, kimono không đơn thuần là trang phục mà qua đó nó nói lên thân phận, địa vị của người mặc và hoàn cảnh, sự kiện mà họ tham dự.
Khí hậu Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, dựa vào sự thay đổi thời tiết mà người Nhật có các loại kimono khác nhau. Từ tháng Giêng đến tháng 5, khí hậu lạnh giá, kimono được dùng trong thời điểm này là loại có vải lót dày bên trong.
Từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết nóng, người Nhật thường mặc kimono không cần vải lót, có tên gọi Hitoe. Đặc biệt vào những ngày đỉnh điểm của mùa hè, nhiệt độ tăng cao, loại kimono được may bằng vải mỏng và mát được ưa chuộng nhất.
Yếu tố thời tiết không chỉ quyết định chất liệu vải dùng để may kimono mà còn ảnh hưởng đến màu sắc của trang phục. Kimono mùa hè thường có màu sắc dịu mát, phổ biến nhất là xanh nhạt.
Một chiếc áo kimono nhìn bề ngoài có vẻ phức tạp nhưng thật ra đó là sự kết hợp rất đơn giản giữa các mảnh vải với nhau. Có tổng cộng 8 mảnh vải và người thợ may tất cả chúng lại với nhau để tạo ra một chiếc kimono hoàn chỉnh. Phương pháp may kimono rất đặc thù, người thợ không sử dụng máy may mà chỉ dựa vào các thao tác mang tính thủ công. Khi may kimono, người thợ may trên đường thẳng, ngay cả ở những vị trí vuông góc, đường may cũng đựa trên đường thẳng. Vì vậy, trước khi may họ cần xác định vị trí của đường chỉ may bằng các nếp gấp dài và góc cạnh. Ngoài ra, người thợ rất chú ý đến việc thể hiện vẻ đẹp hài hòa của hoa văn trên từng mảnh vải khi phối hợp chúng lại. Một chiếc áo kimono hoàn chỉnh là cả 1 quá trình lao động thủ công của nhiều người. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà đó là tác phẩm nghệ thuật.