Từ xa xưa, con người đã sống giữa thiên nhiên, được thiên nhiên che chở. Đối với người Nhật, qui luật đó được thể hiện rất rõ trong kiến trúc nhà cổ Minka – một kiểu nhà gỗ, mái lợp rơm khô.

Một ngôi làng với kiểu nhà Minka truyền thống ở Nhật Bản

Minka được xây theo kiểu truyền thống của người Nhật. Từ minka trong tiếng Nhật có nghĩa là “nhà của dân”. Những ngôi nhà minka với đặc trưng mái rơm và tường đất ở Nhật Bản có tuổi thọ trên 100 năm.

Phần mái của nhà cổ minka được gọi là kayabuki. Nguyên liệu dùng làm mái nhà thường là các loại cỏ, rơm và sậy khô. Chúng có sẵn trong tự nhiên ở bất kì vùng nông thôn nào của Nhật Bản. Từ nguyên liệu đến cấu trúc của mái nhà rất phù hợp với khí hậu ôn đới ở Nhật Bản.

Những ngôi nhà minka có tuổi thọ trên 100 năm

Rơm, sậy khô được lợp rất dày và được cắt tỉa cẩn thận theo chiều dốc của mái nhà để nước mưa và tuyết không đọng lại trên mái. Ngoài ra, âm thanh của mưa rơi cũng không ảnh hưởng đến không khí yên bình bên trong nhà.

Vì được lợp bằng sậy nên phần mái nhà có nhiều khoảng không tích lũy không khí. Yếu tố này giúp nhiệt độ trong nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Đến mùa hè, ánh nắng sẽ chiếu trực tiếp lên mái lá thấm đẫm nước mưa. Khi đó, lượng nước tích tụ trong rơm rạ trên mái nhà sẽ bốc hơi, giúp không khí bên trong nhà khô ráo, mát mẻ. Mái nhà lúc bấy giờ giống như chiếc máy điều hòa nhiệt độ tự nhiên sử dụng bằng hơi nước.

Rơm, sậy khô được lợp rất dày và được cắt tỉa cẩn thận theo chiều dốc của mái nhà

Tường của nhà cổ minka được làm bằng đất. Nguyên liệu chính để xây tường chỉ là rơm, rạ trộn lẫn với đất sét. Chất liệu thô sơ có sẵn trong tự nhiên đã tạo nét mộc mạc cho ngôi nhà. Cấu tạo của tường đất khá chắc chắn, bên trong là khung tre được bện chặt bằng dây thừng, bên ngoài được phủ kín bằng hỗn hợp bùn nhão trộn với rơm khô. Tường đất thấm hút nước nhanh, đồng thời giữ ấm rất tốt cho không gian bên trong nhà vào mùa đông.

Nhà truyền thống minka được làm từ nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian, vừa rất thích hợp với khí hậu của Nhật Bản.

Nhà cổ minka mang nhiều dáng vẻ khác nhau tùy từng vùng. Bên trong nhà thường được phân định thành nhiều khu vực rõ ràng. Phần phía trước ở lối vào gọi là doma, khoảng giữa căn nhà có lót ván gọi là hiroma và cuối cùng là zashiki được lót bằng chiếu tatami.

Ngay lối vào doma là cửa gỗ lớn odo, được dùng làm lối vào phía trước của ngôi nhà. Nền của doma là nền đất nện, thấp hơn nhiều so với phần nền của các khu vực khác trong nhà cổ minka. Doma chủ yếu được sử dụng làm nơi nấu nướng và chứa các dụng cụ làm nông.

Bếp lò irori

Nằm ở phía trên, cách doma một bậc thang là khu vực của hiroma. Tất cả mọi người phải tháo giày khi bước lên hiroma. Ngay giữa hiroma là bếp lò lộ thiên irori. Khi đốt lửa, hơi ấm của bếp sẽ sưởi ấm cho gian nhà vào mùa đông. Bếp lò irori không có ống khói nối trực tiếp ra bên ngoài, vì vậy, khói bếp lan tỏa bên trong nhà, bám vào mái lá. Lâu ngày, mái nhà nhuộm đen vì khói. Đây cũng là cách ngăn chặn mối mọt tấn công mái nhà hiệu quả nhất.

Nối liền với hiroma là zashiki, khu vực quan trọng của nhà cổ minka. Đây là gian phòng cao nhất trong ngôi nhà và được lót hoàn toàn bằng chiếu tatami. Zashiki dùng để tổ chức các nghi lễ và là nơi nghỉ ngơi của gia đình vào ban đêm.

Ngay giữa ranh giới của doma và hiroma là cây cột chính daikoku-bashira, được xem là vật tượng trưng của căn nhà. Cột chính hữu dụng nhất trong toàn bộ giàn cột trong nhà, kích thước của nó cũng lớn hơn so với những cây cột khác.

Trên phần mái của nhà cổ minka hoàn toàn không có sự hiện diện của bất kì cây đinh nào, mà thay vào đó là dây thừng

Một bộ phận khác không kém phần quan trọng, đó là những thanh xà được sử dụng trên trần nhà. Xà nhà là những thanh gỗ được bắc thành một mặt phẳng trên các đỉnh cột. Nhiệm vụ của chúng là cố định cột và nâng đỡ sức nặng của mái nhà. Xà nhà được sử dụng nhiều loại gỗ khác nhau, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu sẵn có của mỗi vùng. Thông thường, gỗ cây bách và cây keyaki được dùng nhiều nhất, kế đến là gỗ thông.

Gỗ để làm cột và xà ngang trên trần được giữ nguyên hình dáng nguyên thủy của cây. Người ta chỉ bào và gọt giũa sơ bên ngoài nên chúng có những đường cong không theo một qui tắc nào. Đó là điểm độc đáo của nhà cổ minka.

Trên phần mái của nhà cổ minka hoàn toàn không có sự hiện diện của bất kì cây đinh nào, mà thay vào đó là dây thừng. Người ta sử dụng dây thừng để cố định các thanh gỗ vào trong mái lá, đồng thời buộc chặt các thanh gỗ nâng đỡ mái nhà lại với nhau.

Lớp tuyết dày phủ trên mái nhà minka vào mùa đông

Tính mềm mại, linh hoạt của vật liệu tự nhiên giúp nhà cổ minka có thể chịu đựng sức nặng của lớp tuyết dày phủ trên mái nhà vào mùa đông. Đây cũng là một nét lạ nữa trong kiến trúc nhà cổ của người Nhật.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *