Trong quá trình phát triển Judo, Jigoro không chỉ chú trọng đến kỹ thuật mà ông còn đưa cả yếu tố văn hóa truyền thống của người Nhật vào môn võ này. Điển hình là các kiểu chào mà võ sĩ Judo nào cũng phải nằm lòng. Judo là môn võ trọng nghi lễ. Trước khi bước vào trận đấu, hai võ sĩ cúi chào nhau, thể hiện sự tôn trọng đối phương.

Võ phục cũng rất quan trọng. Khi thi đấu, các võ sĩ thường nắm lấy vạt áo gần cổ đối phương để quật ngã đối phương, do đó, trang phục trong Judo phải được may bằng chất liệu mềm và chắc chắn để khi võ sĩ ra đòn, áo không bị rách và phần cổ áo không gây tổn thương cho người bị tấn công.

 

Judo là môn võ ôn hòa, đề cao tính tự vệ và rèn luyện thể chất nên rất được công chúng quan tâm. 10 năm sau khi ra đời, võ đường của Jigoro tiếp nhận khoảng 1.000 môn sinh theo học.

Judo nhanh chóng được truyền bá rộng rãi. Năm 1932, nó được đưa vào giảng dạy tại nhiều cấp học ở Nhật Bản và trở thành môn võ thịnh hành khắp cả nước. Không dừng lại ở đó, tổ sư Jigoro còn truyền bá Judo ra thế giới. Cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, Judo đã có mặt ở 24 quốc gia.

Năm 1938, khi Judo ở đỉnh cao của sự phát triển thì một biến cố lớn đã xảy ra – tổ sư Jigoro qua đời ở tuổi 79. Đó cũng là thời điểm xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Nhật Bản là một trong những nước tham chiến. Quân đội Nhật Bản đã sử dụng Judo bên cạnh các môn võ khác như Kiếm đạo, Sumo để rèn luyện sức khỏe và tinh thần của binh sỹ.

Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Nhật Bản bại trận và lần đầu tiên trong lịch sử, nước này bị quân đội nước ngoài chiếm đóng, cụ thể là quân đội Mỹ. Dưới chế độ quân quản, Mỹ thực hiện hàng loạt cải cách tại Nhật Bản. Trong nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, Mỹ đã cấm tất cả các võ đường hoạt động, trong đó có võ đường Judo.

6 năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, tức vào năm 1951, Liên đoàn Judo Quốc tế được thành lập. Judo trở thành môn thể thao tranh tài trên các đấu trường quốc tế.

Năm 1964, Nhật Bản lần đầu tiên đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè Olympic 1964 tại thủ đô Tokyo và Judo được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của đại hội Olympic.

Trong thế vận hội này, làng Judo Nhật Bản đã chứng kiến thất bại nặng nề trước các võ sĩ nước ngoài mặc dù võ sĩ Nhật Bản có lợi thế về đám đông khán giả ủng hộ. Điều đó chứng tỏ rằng, Judo đã được quốc tế hóa, nó không còn là môn võ sở trường mà chỉ các võ sĩ người Nhật mới có lợi thế.

130 năm trước, Judo được tạo ra từ ý tưởng của tổ sư Jigoro muốn dùng võ thuật để dạy con người phòng vệ và rèn luyện cơ thể. Ngày nay, Judo tiếp tục được phát triển và đã trở thành môn thể thao võ thuật của thế giới.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *