Nhờ sự sáng tạo không ngừng, nhân loại ngày càng đẹp hơn, đáng yêu hơn với ngoại hình luôn thay đổi của mình. Những bộ trang phục lộng lẫy, cách trang điểm gương mặt khéo léo và những kiểu tóc độc đáo khiến con người ngày càng tự tin hơn và xinh đẹp hơn.
Quần áo được làm từ lông, da động vật
Nhiều loài động vật hoang dã đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho con người. Từ thời xa xưa, nhân loại đã biết dùng da động vật để may quần áo giữ ấm cơ thể.
Trong thời đại ngày nay, nhiều người cho rằng, trang phục bằng da giúp người mặc trở nên đẹp, quyến rũ hơn. Chúng vừa thể hiện tính thời trang vừa mang đến cảm giác gần gũi với tự nhiên.
Thời trang lông thú mang lại vẻ tinh tế, quý phái
Da cá hồi được dùng để may thành những chiếc ví, những chiếc giỏ xách có phong cách riêng và bền chắc. Bộ lông nhiều màu sắc của một số loài chim được nhiều người trân trọng như báu vật. Từ lâu, cư dân của một số bộ tộc trên thế giới đã dùng lông chim để trang trí cho trang phục truyền thống của họ. Ngày nay, chúng cũng là một phần quan trọng trong nhiều bộ trang phục thời thượng.
Quần áo may bằng lông cừu cũng được nhiều người ưa chuộng. Từ lâu, người ta đã nuôi loài động vật này để lấy lông. Lông cừu trở thành một phần không thể thiếu trong những loại trang phục giữ ấm.
Lông dê Angora thường được dùng để dệt thành vải nỉ Angora mềm mại. Lông thỏ cũng là vật liệu quan trọng trong ngành thời trang. Với lông lạc đà, người ta đã may những chiếc áo khoác rất đặc biệt….
Hoa văn độc đáo và sự hữu dụng của nhiều loại da, lông thú, khiến con người săn bắt ráo riết nhiều loài động vật , đẩy chúng vào nguy cơ tuyệt chủng. Vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, những chiếc áo lông thú đắt tiền được xem là biểu tượng của sự sang trọng. Người thích mặc trang phục bằng da hay lông thú sẵn sàng chi thật nhiều tiền để có được chiếc áo mình thích. Các mặt hàng thời trang đặc biệt này xuất hiện cả trên sàn diễn lẫn ngoài đường phố.
Vì sở thích mặc quần áo bằng da, lông thú, con người đã giết rất nhiều loài động vật để lấy nguyên liệu cho ngành thời trang. Những cuộc săn bắt ráo riết khiến số lượng của nhiều loài động vật chẳng hạn như báo, hải cẩu … ngày càng suy giảm. Nhiều loài bò sát cũng rơi vào tình trạng tương tự vì bộ da đắt giá của chúng.
Vào năm 1985, nhiều nước đã cấm buôn bán các loài động vật sắp tuyệt chủng. Từ đó, nhiều loài động vật quí hiếm không còn bị săn bắt quá mức, số lượng của chúng cũng dần tăng lên. Hành vi và cách nghĩ của con người đã có nhiều thay đổi. Điều đó đã cứu lấy sự sống của nhiều chủng loài động vật. Tuy nhiên trên thế giới, vẫn còn nhiều tộc người thiểu số dùng da thú để may quần áo.
Ngành công nghiệp sản xuất vải hiện đại đã cho ra đời nhiều loại vải giống như da thật. Chúng được dùng thay thế cho những sản phẩm da, lông thú tự nhiên.
Nhờ sự phát triển của ngành sản xuất vải giả da, các nhà thiết kế tha hồ sáng tạo mà không gây hại đến thiên nhiên. Họ đã tôn vinh vẻ đẹp của thế giới tự nhiên qua nhiều mẫu quần áo rất ấn tượng và cũng rất hợp thời trang.
Chi tiết tạo điểm nhấn
Xu hướng thời trang thay đổi liên tục giúp con người ngày càng trở nên đẹp hơn. Để có được bộ quần áo xinh xắn, người ta phải cắt từng mảnh vải, rồi dùng các phụ liệu như nút, khóa kéo, dây cột… gắn kết chúng lại với nhau. Thậm chí, họ còn điểm thêm một số chi tiết giúp cho bộ trang phục trở nên nổi bật hơn. Các nhà thiết kế luôn đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, những kiểu quần áo mới liên tục ra đời góp thêm sự đa dạng cho thế giới thời trang.
Một chiếc nơ có thể giúp bộ trang phục trở nên nổi bật hơn
Nhiều người cho rằng cột dây hay thắt nơ cũng là một cách tạo điểm nhấn cho áo quần. Dây thun cũng là phụ liệu quan trọng đối với nhiều loại trang phục để giữ cho chúng không bị tuột khỏi cơ thể người mặc. Những sợi dây bằng vải, hay thun đều được các nhà thiết kế sử dụng rất linh hoạt.
Nhiều bộ trang phục trở nên đẹp hơn khi kết hợp với một số phụ kiện nào đó. Đó có thể là những sợi dây đeo khiến người mặc trông cá tính hơn, những cái móc hoặc nút không chỉ giúp cho thân áo quần được cài chặt, kín đáo mà còn giúp bộ trang phục trở nên ấn tượng hơn…
Nút cài áo, quần đã ra đời cách nay 800 năm. Từ khi xuất hiện đến nay, chức năng của chúng ngày càng tăng thêm. Ngoài việc giữ cho áo quần kín đáo, chúng còn được dùng để trang trí, tạo điểm nhấn….
Những chiếc dây kéo góp phần tạo nên phong cách thời trang cho quần áo. Dây cột, thắt lưng được các nhà thiết kế sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Năm 1948, trong một lần đi dạo, George Mestral phát hiện nhiều hạt cỏ coklebur bám chặt vào quần áo. Sau khi quan sát cẩn thận và tìm hiểu thật kỹ các hạt cỏ này, ông đã phát minh ra miếng khóa dán velcro. Khóa dán gồm có hai dải bằng sợi nilon, một bên có nhiều cái móc nhỏ và bên kia có những cái khoen tròn, khi ép lại chúng dính chặt vào nhau. Khóa dán velcro dần trở thành phụ liệu phổ biến thay thế cho những cái nút và dây dùng để cột.
Khóa kéo velcro
Nút quần jean vừa có chức năng giữ cho quần không bị tuột vừa thể hiện tính thời trang. Chúng được xem là vật tượng trưng cho sự mạnh mẽ và phong cách của jean. Với những cái nút, các nhà thiết kế đã tạo nên nhiều cách trang trí rất độc đáo.
Thêu là một cách trang trí đáng chú ý khác nữa trong nghệ thuật làm đẹp trang phục. Những đường chỉ nhiều màu sắc đan xen với nhau tạo nên những hình ảnh bắt mắt.
Thời trang tóc
Nhiều người muốn thể hiện cá tính qua kiểu tóc. Với đôi tay khéo léo, những người thợ tóc tạo nên nhiều kiểu tóc rất lạ và đẹp. Mái tóc có thể dài hay ngắn, nhuộm màu đỏ hay màu đen, suôn thẳng hay uốn cong, trang trí thêm bằng những cây kẹp, cài hay thậm chí là cạo trọc… tất cả những việc đó đều nhằm mục đích làm đẹp.
Mỗi một bộ tộc thường có một kiểu tóc riêng. Mái tóc dài, uốn cong ở phần đuôi là kiểu tóc đặc trưng của người Toda sống ở miền nam Ấn Độ. Trong khi đó, người Hamer sống ở Ethiopia có mái tóc nổi bật vì được nhuộm bằng màu của đất sét. Ngược lại, người Masaai ở Kenya không dùng tóc để làm đẹp. Khi đến tuổi trưởng thành, họ sẽ cạo trọc đầu. Mặc dù vậy, những người lính Masaai thì lại để tóc dài. Vào những dịp đặc biệt họ còn nhuộm tóc màu đỏ.
Kiểu tóc cũng chịu ảnh hưởng bởi truyền thống tôn giáo. Những người thuộc giáo phái Rastafarian không được chải hay cắt tóc, vì vậy họ thường có mái tóc dài. Người theo đạo Do Thái thì để 2 lọn tóc dài bên tai. Các nhà sư theo đạo Phật cạo trọc đầu. Ngược lại, người theo đạo Sikh để tóc dài rồi tết thành búi.
Những sợi tóc rất bền, chắc và dẻo dai nên con người tha hồ sáng tạo với chúng. Mỗi một vùng đất có những kiểu tóc khác nhau. Mỗi một màu tóc, kiểu tóc đều có một vẻ đẹp riêng, cho dù đó là tóc màu đen, nâu hay màu bạch kim. Người châu Á thường thích để tóc dài, sau đó uốn cong, quấn thành búi hay kết tóc cầu kỳ. Tùy theo sở thích mà người ta sẽ sáng tạo nên những kiểu tóc khác nhau.
Nhuộm màu cũng là một cách làm cho mái tóc trở nên đẹp hơn.
Nhiều người đàn ông bị hói để lộ một mảng da đầu bóng loáng. Đó là một chứng bệnh. Cách hay nhất để khắc phục tình trạng này là mang tóc giả. Ngoài những kiểu tóc giả đơn giản dùng để che những vùng thiếu tóc của người hói đầu, người ta còn thiết kế ra những kiểu tóc giả rất hợp thời trang, được cắt tỉa uốn ép thành rất nhiều kiểu.
Ở từng thời điểm khác nhau sẽ có những kiểu tóc đặc trưng. Chẳng hạn như vào thập niên 60 của thế kỷ XX, nhiều người phụ nữ thích mặc váy ngắn và cắt tóc ngắn. Những năm 1970, người ta thích cắt tóc thật cao và tạo thành nhiều kiểu dáng ngộ nghĩnh. Đến thập niên 1980, mái tóc bồng bềnh uốn cong trở nên thời thượng. Xu hướng hiện nay là mái tóc dài thẳng mượt trông rất duyên dáng.
Thanh Trúc