Người Nhật không bày trí tatami một cách tùy tiện mà dựa trên những qui tắc cụ thể. Một tatami có kích thước chuẩn thì trọng lượng của nó khoảng 17kg/met vuông.
Gian phòng được lót hoàn toàn bằng chiếu tatami được gọi là washitsu. Hiện nay, tại Nhật, washitsu 8 chiếu tatami rất được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi. Yêu cầu trong cách sắp xếp của gian phòng này là các tấm tatami kết hợp với nhau tạo ra những góc hình chữ T.
Gian phòng được lót hoàn toàn bằng chiếu tatami được gọi là washitsu |
Washitsu 8 chiếu tatami không quá lớn và cũng không quá nhỏ. Vì vậy, lúc nào không gian trong phòng cũng tràn ngập ánh sáng tự nhiên của mặt trời phản chiếu từ bên ngoài. Tuy nhiên, đó không phải là ánh nắng gay gắt rọi trực tiếp vào gian phòng mà là thứ ánh sáng dịu dàng đã được lọt qua lớp giấy trắng tinh trên cửa kéo shoji.
Tatami cũng góp phần quan trọng tạo nên độ sáng tối của gian phòng. Những nếp gợn sóng trên mặt chiếu là bộ phận phản quang tuyệt vời. Để tận dụng ưu điểm này, khi trải chiếu tatami, người ta kết hợp một cách khéo léo giữa chiếu dọc và chiếu ngang nhằm mang lại sự thay đổi ánh sáng cho washitsu. Ngoài ra, cách bố trí dựa theo màu sắc của tatami cũng được chú trọng. Tatami màu sáng được trải ở gần cửa ra vào trong khi tatami màu tối đặt ở phía trong.
Tatami mang cả không khí thiên nhiên vào trong gian phòng, từ lâu nó đã là nhân tố quan trọng trong kiến trúc nhà ở của người Nhật. Tại viện bảo tàng Shoso-in của chùa Todai-ji ở thành phố Nara, vẫn còn lưu giữ một chiếc chiếu tatami cổ. Tương truyền, vào thế kỉ thứ VIII thời Nara, Thiên hoàng Shomu đã sử dụng chiếu tatami cổ này trong các buổi bàn luận Phật pháp. Theo nhận định của giới nghiên cứu, vào thời điểm này, ở Nhật đã xuất hiện một tấm phản có chiều rộng khoảng 1 mét và dài 2.4 mét được làm từ nhiều thanh gỗ ghép lại với nhau, phía dưới là 4 chân gỗ cứng cáp. Nó có hình dáng giống như chiếc giường ngày nay. Phía trên phản trải một tấm lót được làm từ rơm hoặc cói đan chặt vào nhau. Tấm lót đó là hình mẫu ban đầu của chiếu tatami. Tính đến nay, chiếc chiếu tatami cổ ở chùa Todai-ji đã có lịch sử tồn tại trên 1200 năm.
Sau đó, vào thời Heian, chiếu Tatami được sử dụng chủ yếu trong cung đình và tư gia của quí tộc. Chiếu tatami trong giai đoạn này chỉ dùng để ngồi hoặc nằm ngủ, chưa có những gian phòng washitsu như ngày nay. Nó được xem là vật dụng rất có giá trị, biểu tượng cho quyền lực của Nhật hoàng và qui tắc, trật tự trong xã hội. Mép chiếu tatami sử dụng hoa văn đen trắng có tên gọi korai-beri. Đó là mẫu hoa văn lớn có hình hoa cúc được viền trên những tấm chiếu tatami chỉ dành cho giới quí tộc có địa vị cao trong xã hội. Những quí tộc khác dùng loại chiếu có mép viền trang trí mẫu hoa văn nhỏ hơn.
Đến thời Edo, chiếu tatami dần được sử dụng rộng rãi trong xã hội Nhật Bản, từ những buổi hội họp của chính quyền đến những hoạt động thường nhật trong thành phố. Những gian phòng được lót toàn chiếu tatami bắt đầu xuất hiện. Tatami có mặt tại các cửa hàng và là vật dụng trong kiến trúc nhà ở.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng tatami trong cộng đồng, số lượng thợ tham gia làm chiếu ngày một đông. Tuy nhiên, để tạo ra những tấm chiếu đẹp và bền chắc, người thợ tatami thủ công của Nhật Bản phải mất khoảng 10 năm để học kỹ thuật buộc, khâu và dệt nguyên liệu từ rơm và cói.
Cách làm chiếu tatami thời xưa ở Nhật Bản |
Tatami có liên quan mật thiết đến nghi thức tín ngưỡng cũng như hoạt động văn hóa của người Nhật, đặc biệt là trong Trà đạo. Lễ trà luôn được tiến hành trong gian phòng lót chiếu tatami. Người Nhật có một số tiêu chuẩn khắt khe về tatami trong lễ trà.
Thường thì một trà thất có diện tích khoảng 4 chiếu rưỡi tatami, tức 7.29met vuông |
Thường thì một trà thất có diện tích khoảng 4 chiếu rưỡi tatami, tức 7.29met vuông. Chủ lễ trà và khách luôn mang vớ khi bước trên tatami trong trà thất, bước phải thật khẽ tránh gây tiếng động. Các thao tác khi pha trà cũng được thực hiện trực tiếp trên mặt chiếu tatami, chủ lễ trà khéo léo không để vương vãi mạt trà trên chiếu.
Chén trà sau khi pha xong cũng được đặt trên tatami để mời khách và trước khi chuyền cho người bên cạnh, khách uống trà lại đặt chén xuống tatami để thực hiện một số thao tác.
Thanh Tâm