Ngày nay, giai cấp samurai không còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản, nhưng áo giáp và nón sắt của chiến binh vẫn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Búp bê samurai truyền thống Nhật Bản được sử dụng tương ứng với những lễ hội khác nhau. Ví dụ, búp bê chiến binh có đầy đủ áo giáp và nón sắt là quà tặng trong “Tết các bé trai” – ngày 5/5 với mong muốn các bé mau lớn, khỏe mạnh và kiên cường.

Ở trong các cửa hàng lưu niệm, mẫu búp bê samurai cơ bản được người lớn và cả trẻ em đều ưa chuộng. Các bộ phận trên áo giáp của chiến binh được thiết kế rất cầu kỳ, đẹp mắt.

                                 
Mẫu búp bê samurai cơ bản được thiết kế rất cầu kỳ, đẹp mắt

 

Ông Miu-ra Hiro-michi là thợ làm áo giáp lão luyện với 45 năm kinh nghiệm. Ông được đánh giá là bậc thầy trong lĩnh vực này.

Chiếc áo giáp và nón sắt được đánh giá là tuyệt tác nghệ thuật được ông Miu-ra tạo ra vào năm 1982. Thiết kế của nó là sự tái hiện mẫu áo giáp và nón sắt chiến binh samurai ra đời vào cuối thời Kama-kura, thế kỉ XII. Tác phẩm được tạo thành từ rất nhiều bộ phận khác nhau, tất cả đều do ông Miu-ra tự làm bằng tay.

                                
Chiếc áo giáp và nón sắt được đánh giá là tuyệt tác nghệ thuật được ông Miu-ra tạo ra vào năm 1982 là sự tái hiện mẫu áo giáp và nón sắt chiến binh samurai ra đời vào cuối thời Kama-kura

 

Ví dụ, để chế tạo chiếc nón sắt, việc quan trọng mà ông Miu-ra phải làm là dùng kỹ thuật dập sắt để uốn cong những mảnh kim loại mỏng làm khung nón. Mỗi chiếc nón sắt cần khoảng 70 mảnh kim loại như thế. Các mảnh kim loại sau đó được gắn kết với nhau để tạo hình chiếc nón. Mặt ngoài của nón phủ sơn mài và trang trí thêm các tác phẩm chạm khắc hình hoa mạ vàng.

Phần giáp bảo vệ hai bên bả vai và cánh tay của chiến binh là những bộ phận quan trọng cấu thành chiếc áo giáp hoàn chỉnh. Trên chiến trường Nhật Bản ngày xưa, các samurai sử dụng vũ khí chiến đấu là cung tên và kiếm nên phần giáp bảo vệ cánh tay được thiết kế gọn, nhẹ giúp họ có thể thao tác một cách thoải mái.

Tất cả các bộ phận của bộ áo giáp đều được ông Miura làm bằng tay

 

Phần áo giáp bảo vệ nửa thân dưới của chiến binh được gọi là Kusa-zuri. Kusa-zuri và phần giáp bảo vệ đôi tay của chiến binh, có nguồn gốc là những mảnh da bò nhỏ, được liên kết với nhau bằng dây thừng.

Để chuẩn bị nguyên liệu làm Kusa-zuri, ông Miu-ra cắt da bò ra thành nhiều mảnh nhỏ gọi là kozane. Chiều rộng của mỗi mảnh kozane khoảng 5 cm và dài 15 cm. Một chiếc áo giáp hoàn chỉnh của ông Miu-ra phải cần đến 3.500 mảnh kozane. Tất cả các mảnh kozane sau khi cắt xong sẽ được phủ vẹc-ni và đục những chiếc lỗ tròn. Kế đến, ông Miu-ra dùng một loại dây thừng bền, chắc xỏ qua những chiếc lỗ đó và nối các mảnh kozane lại với nhau thành một tấm da bò. Sau đó, ông Miu-ra sẽ phủ 6 lần sơn đen lên bề mặt của tấm da bò để tạo độ bền cho nó.

Ông Miura chuẩn bị nguyên liệu làm Kusa-zuri. Đó là những miếng da bò được cắt nhỏ và được đục lỗ tròn

 

Phần giáp bảo vệ ngực và bụng của chiến binh được làm bằng da hươu mềm mại. Đó cũng là tác phẩm thủ công tinh xảo và đẹp mắt. Trên tấm da hươu sẽ trang trí hoa văn hình sư tử và hoa mẫu đơn, được vẽ bằng kỹ thuật hội họa truyền thống mà thoạt nhìn, người xem cứ ngỡ đó là bức tranh thêu.

Hoa văn hình sư tử và hoa mẫu đơn trên áo giáp được vẽ bằng kỹ thuật hội họa truyền thống

 

Từng chi tiết trên sản phẩm được ông Miu-ra chăm chút cẩn thận từ kiểu dáng đến nguyên liệu sắt, da thú, nước sơn, dây thừng. Tất cả đều được ông sao chép theo nguyên mẫu của chiếc áo giáp thời Kama-kura.

Từng chi tiết trên bộ áo giáp được chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ, đạt đến sự tinh tế

 

Giá trị của những chiếc áo giáp và nón sắt Nhật Bản không chỉ là quân trang bảo vệ các chiến binh khi ra trận mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Kỹ thuật chế tạo giáp sắt của người Nhật đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *