Ngoài dáng vẻ của các loài động vật, nón sắt của chiến binh samurai còn có nhiều biểu tượng khác.

Ichi no Tani – vùng núi thuộc tỉnh Hyogo – là nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Ichi no Tani có địa hình hiểm trở với các vách đá cheo leo.
 

Vào thế kỷ XII, thủ lĩnh của gia tộc Mina-moto là Mina-moto no Yoshi-tsune đã lợi dụng địa hình này để đưa quân từ trên núi vượt qua các vách đá tấn công gia tộc Taira. Vì bị tấn công từ hướng không ngờ tới nên gia tộc Taira hoàn toàn không phòng bị. Đội quân chỉ với 72 chiến binh của Yoshi-tsune kết hợp cùng các cánh quân từ những hướng khác đã đánh bại hàng ngàn binh sỹ Taira và giành thắng lợi trong cuộc chiến này.

Nón sắt hình vách núi là hình ảnh gắn liền với lãnh chúa Kuroda Nagamasa

 

Chiến thắng vang dội của trận Ichi no Tani có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các chiến binh samurai. Vì vậy, ở Nhật còn có loại nón sắt tái hiện hình vách núi lấy cảm hứng từ trận đánh đó.

Nón sắt hình vách núi là hình ảnh gắn liền với lãnh chúa Kuroda Nagamasa – một vị dũng tướng và là niềm tự hào của vùng Kyushu vào thời Edo, thế kỉ XVI.
Sự phong phú của thế giới giáp sắt của các chiến binh Nhật Bản cũng bao gồm chiếc nón khắc họa tiết hình chữ “Ái” trong Hán tự.

Chữ “Ái” bắt nguồn từ vị thần Tình yêu Ragaraja trong tín ngưỡng Phật giáo. Tại Nhật Bản, thần Ragaraja được gọi là Aizen Myo-o có nghĩa là “Ái Nhiễm Diệu Vương”. Khi được dùng trên nón sắt, ý nghĩa cơ bản của chữ Ái vẫn được hiểu là Tình yêu, vì vậy, cho đến nay, loại nón sắt hàm ý tốt đẹp này vẫn được người Nhật ưa chuộng trong nhiều sự kiện quan trọng.

Nón sắt hình chữ "Ái" mang hàm ý tình yêu tốt đẹp, bền vững

 

Trong lễ cưới, một số chú rể mặc áo giáp và đội nón sắt Aizen Myo-o để tạo không khí cổ xưa cho ngày trọng đại của mình. Cùng hòa hợp với trang phục chiến binh samurai của chú rể là bộ kimono truyền thống có hoa văn đỏ tươi tắn của cô dâu. Những lễ cưới có tính sáng tạo nhưng vẫn tôn trọng các giá trị văn hóa luôn được người Nhật đánh giá rất cao.

Trong lễ cưới, áo giáp và nón sắt Aizen Myo-o thể hiện mong muốn tình yêu lứa đôi bền vững.

Cô dâu và chú rể mặc áo kimono và áo giáp, nón sắt hình chữ "Ái" truyền thống trong lễ cưới

 

Ngày nay, giai cấp samurai không còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản, nhưng áo giáp và nón sắt của chiến binh vẫn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
 

Búp bê samurai truyền thống Nhật Bản được sử dụng tương ứng với những lễ hội khác nhau. Ví dụ, búp bê chiến binh có đầy đủ áo giáp và nón sắt là quà tặng trong “Tết các bé trai” – ngày 5/5 – với mong muốn các bé mau lớn, khỏe mạnh và kiên cường.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *