Bên cạnh “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì tết cổ truyền của người Việt vẫn chẳng thể nào thiếu một loại thức uống truyền thống mà hiện đại, đơn giản, dân dã nhưng cũng chẳng kém phần cầu kỳ, sang trọng. Đó chính là trà.

Trà không biết tự bao giờ đã đi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam một cách tự nhiên và tĩnh lặng. Nhìn từ nhà ra phố, từ quán nước vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, từ nơi đám hiếu, đám hỷ hay hội nghị… trà vẫn là luôn là thứ không thể thiếu. Và với Tết nguyên đán cũng không là một ngoại lệ. Cũng chính vì thế mà khi khách đến chơi nhà trong không gian đất trời vào xuân, nếu có một thứ thức uống ấm nóng thơm ngon được chủ nhà hoan hỉ mang ra làm “quà” mời trước nhất thì đó chính là trà. Ông bà ta có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Có thế mới nói, uống trà, mời trà là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thay thế trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Đạo trà Việt truyền thống

Đạo trà Việt truyền thống không mang vẻ cầu kì như trà đạo của Nhật Bản hay sự phức tạp như nghệ thuật trà kinh của Trung Quốc, và cũng không thực dụng như trà phương Tây. Nó giản dị, đơn sơ mà vô cùng thanh tịnh. “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm” đã trở thành câu nói quen thuộc để nói về những nhân tố làm nên một ấm trà ngon đích thực.

Các nghệ nhân chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ, rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3-4 năm cho trà phong hóa bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ được nguyên vẹn. Ướp và sấy trà là cả một quy trình nghệ thuật. Để ướp một cân trà cần dùng từ 1000-1200 bông sen. Khi ướp, các nghệ nhân thường trải đan xen một lớp trà rồi đến một lớp gạo sen mỏng, sau cùng phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, trung bình kéo dài từ 18-24 giờ. Sau đó, người ta đem sàng để loại bỏ hết gạo sen.

Cách thưởng thức trà của người Việt cũng mang nhiều nét độc đáo, cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng và không theo chuẩn mực nào. Việt Nam không có trà đạo nên cách uống trà được coi là nghệ thuật có tính truyền thống. Người Việt uống trà theo nhiều kiểu: dân dã có, sang trọng, cầu kì cũng có. Và cũng có thể do đặc điểm địa lý mà cách thức uống trà của người Việt cũng có sự khác biệt như người miền Bắc thích uống trà mạn (loại trà đã được sao tẩm) và uống nóng, người miền Trung thường hay dùng trà tươi dân dã, người miền Nam thường dùng trà đá…

Thưởng trà tết đón xuân về

Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới. Xuân về, uống chén trà ngon, tỏa hương thơm ngát, hòa quyện cùng bầu không khí ấm áp của gia đình chúc nhau năm mới an khang, thịnh vượng, tận hưởng một mùa xuân thanh bình, tươi đẹp và hạnh phúc quả thật là một điều vô cùng thú vị và tao nhã. Hương thơm của trà Xuân cũng được chắt lọc từ tinh túy của trời đất vào Xuân nên mang hương sắc khác biệt. Những đọn, búp trà non xanh được tạo nên bởi mưa Xuân, nắng Xuân ấm áp và được sao tẩm, chế biến trong không khí Xuân rộn ràng với niềm hy vọng phấn chấn của những người trồng trà đã cho ra sản phẩm trà Xuân đặc biệt.

Nhưng trong cái gấp gáp và vội vàng của cuộc sống hối hả thường nhật, đối với những con người trẻ hiện đại và bận rộn, thời gian tỉ mẩn từ khâu chọn lọc, phơi sấy đến ướp hương để cho ra đời những ấm trà hương sao cho đúng điệu cũng chẳng phải là một điều dễ dàng. Vì thế, họ tìm đến một loại thức uống nhỏ gọn, tiện lợi nhưng cũng không kém phần sang trọng và thơm ngon, đó chính là trà túi lọc. 

Từ đào, bạc hà cho đến cam, táo hay chanh… bất cứ sự lựa chọn nào cũng sẽ khiến cho cuộc trò chuyện đầu xuân trở nên thi vị và rôm rả. Trong buổi đón khách đầu xuân Ất Mùi, việc trò chuyện đôi ba câu trong khi thong thả nhúng một túi trà túi lọc nhỏ xinh vào ly nước nóng, chờ trà lên hương rồi thưởng thức thực sự là một trải nghiệm thú vị đáng thử, giống như một nét văn hóa hiện đại nhưng vẫn toát lên sự thanh tao đầy truyền thống. 

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *