Istanbul là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên cả hai lục địa, trải dài hai bên bờ eo biển Bosphore. Istanbul còn được biết đến là thành phố mua sắm với những cửa hiệu được trưng bày bắt mắt, hiện đại, tập trung nhiều thương hiệu lớn trên các đường phố trung tâm.
Chợ Grand Bazaar
Khu chợ Grand Bazaar hay còn gọi là chợ Kapalicarsi, tức Chợ trong nhà là một điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách khi tới thành phố này. Vừa vào chợ, mọi người sẽ thấy nhiều chiếc đèn lồng trang trí theo phong cách Ả Rập. Chúng như nhắc nhở rằng, đây là nơi giao thoa văn hóa Đông – Tây.
Nhiều lồng đèn được trang trí theo phong cách Ả rập trong chợ Grand Bazaar
Bầu không khí trong khu chợ có mái che cổ nhất thế giới này mang đến cho mọi người cảm giác như trở về nơi tập trung buôn bán thời xưa. Vào mùa Hè, du khách đến chợ Grand Bazaar rất đông. Có khoảng 250.000 đến 400.000 lượt khách đến khu chợ này mỗi ngày.
Chợ Grand Bazaar có nhiều cổng vào. Khi nhìn bản đồ của khu chợ, mọi người có thể nhận biết đây là khu chợ lớn nhất thế giới. Nhiều người cho rằng, do chợ quá lớn nên họ có thể lạc đường. Đối với số khác, nơi đây còn là mê cung độc đáo.
Chợ như một mê cung với rất nhiều lối đi
Chợ Grand Bazaar được vua Sultan Mehmed cho khởi công xây dựng vào năm 1455 và đưa vào sử dụng năm 1461. Hàng thủ công mỹ nghệ bán ở đây khá rẻ. Phần lớn du khách đến chợ đều ngạc nhiên bởi sự rộng lớn của nó. Grand Bazaar là chợ có mái che rộng nhất thế giới.
Thảm Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những món đồ gia dụng được săn lùng nhiều nhất trên thế giới. Chúng thường có màu đậm, và hoa văn đặc biệt theo kiểu truyền thống đã nổi tiếng khắp nơi.
Gốm sứ của Thổ Nhĩ Kỳ được nhiều người ưa chuộng và xem là các tác phẩm nghệ thuật rất quý. Chính nhờ thế, những người buôn bán sản phẩm này ở chợ Grand Bazaar làm ăn rất khấm khá. Phần lớn hoa văn trên gốm sứ ở đây đều do chủ cửa hàng thiết kế, sau đó chuyển đến cơ sở sản xuất. Người ta vẫn giữ kiểu hoa văn truyền thống có từ thời Ottoman.
Một điều thú vị là khi đến đây, du khách khó thể ra về tay không trước những gian hàng đầy ắp các sản phẩm đa dạng như hàng gốm sứ, đồ da, nữ trang, quần áo… dù phải mặc cả cho những thứ mà họ ưa chuộng.
Thảm và gốm sứ Thổ Nhĩ Kỳ là những mặt hàng được nhiều người chọn mua
Trong chợ có nhiều khu vực để người cao tuổi chơi cờ, thư giãn. Người ta còn thiết kế nhiều vòi nước trong chợ để việc chữa cháy thuận tiện hơn. Những vòi nước trong chợ được lắp đặt từ thời Ottoman. Thời đó người ta thiết kế vòi nước để lấy nước sinh hoạt. Sau này người ta mới biến nó thành hệ thống nước chữa cháy.
Chợ Grand Bazaar đã trải qua 12 lần động đất và chín lần bị hỏa hoạn nhưng đến này đã được trùng tu hoàn chỉnh.
Người địa phương cảm thấy tự hào khi họ có khu chợ cổ xưa, to lớn nhưng được bảo tồn hoàn chỉnh. Kiến trúc chợ Grand Bazaar mang tính nghệ thuật cao. Nơi đây còn được xem là trung tâm văn hóa của thành phố Istanbul. Toàn khu chợ giống như một thành phố thu nhỏ với nhiều ngân hàng, quảng trường và các đài phun nước, các nhà thờ, nhà hàng, quán cà phê, thậm chí có cả các đồn cảnh sát.
Buổi tối, mọi người có dịp thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Những chương trình biểu diễn như thế này nhằm thu hút nhiều du khách đến chợ Grand Bazaar về đêm. Nhiều người cho rằng, chợ Grand Bazaar là nơi giới thiệu văn hóa truyền thống của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đến với mọi người.
Chợ Misir Carsisi
Chợ Misir Carsisi là khu mua sắm có mái che lớn thứ hai ở Istanbul sau Grand Bazaar. Theo dân địa phương, chợ này được xây dựng vào giữa thế kỷ 17, nằm trong một công trình kiến trúc ấn tượng.
Chợ Misir Casisi bày bán đa dạng nhiều loại hương liệu trên thế giới
Từ năm 1600, người Italia đã đến đây lập chợ chuyên bán dược liệu, sau một quá trình phát triển rất dài, nó đã trở thành chợ Misir Carsisi ngày nay. Chợ Misir Carsisi có bán nhiều loại hương liệu trên thế giới. Sự đa dạng của chúng gây ấn tượng mạnh cho mọi người ngay khi bước vào chợ.
Lúc đầu, chợ này bán các loại hương liệu được mang đến từ đất nước Ai Cập do vậy người ta còn gọi đây là chợ Ai Cập ở Istanbul. Hiện nay, phần lớn các loại hương liệu bày bán ở đây đều có nguồn gốc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều du khách đến đây là để tìm hiểu về các loại gia vị cũng như văn hóa hoá ẩm thực của cư dân vùng này.
Chợ Misir Carsisi bán nhiều loại hương liệu khác nhau. Ước tính có khoảng 10.000 loại. Một số loại có thể dùng trong chế biến món ăn lẫn làm dược liệu. Những hương liệu có tác dụng tốt cho phổi thì có thể đem đi làm thuốc.
Du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ đều không quên đến chợ Misir Carsisi mua một ít hương liệu. Để giữ cho hương liệu còn nguyên chất, nguyên vị người ta thường tiến hành việc đóng gói hút chân không.
Ngoài ra, chợ còn có nhiều cửa hàng bán nước hoa. Nước hoa ở đây đều là tinh dầu tự nhiên không thêm hóa chất. Nước hoa hồng là loại đắt nhất trong số các loại nước hoa.
Chợ Misir Carsisi không chỉ có các loại hương liệu mà còn có nhiều loại bánh kẹo của Thổ Nhĩ Kỳ. Kẹo Lokum là đặc sản của đất nước này.
Theo thời gian, chợ Misir Carsisi đã có nhiều thay đổi. Hiện nay người ta mở nhiều cửa hàng đá quý, đồ lưu niệm kinh doanh ở đây. Nhờ vậy các khoản thu được ngày càng tăng, góp phần làm cho diện mạo của chợ thêm đẹp.
Trước đây dãy mặt tiền của chợ là những cửa hàng bán các loại hạt. Nhưng hiện nay xen lẫn vào đấy là những cửa hàng bán hương liệu, xúc xích, các loại hạt … tạo nên sự đa dạng cho các mặt hàng.
Ở chợ này, tất cả các cửa hàng đều có bảng giá. Người ta cho rằng làm như thế để du khách không phải mặc cả, tăng thêm lòng tin khi mua hàng.
Đến chợ Misir Carsisi, mọi người có thể thấy cảnh các tiểu thương đứng trước cửa hàng rao bán hàng hóa, mời du khách thưởng thức những sản phẩm mà họ bán. Các tiểu thương chào hỏi khách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người ta cho rằng, cách buôn bán này khá thành công trong việc thu hút khách hàng.
Chợ Misir Carsisi đã góp phần lớn trong việc giới thiệu nét văn hóa truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ đến với du khách quốc tế. Mùi thơm độc đáo của nhiều hương liệu trong chợ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Mỗi khu chợ đều có nét đặc trưng. Chúng thể hiện bản sắc văn hóa của cư dân từng vùng. Chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nơi bán hàng hóa mà còn thể hiện sinh động cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.
Hoa Nhi