Hiraizumi có lẽ là ngôi làng quan trọng nhất của Nhật Bản mà không có mấy người biết tới sự tồn tại của nó.
Vào thời đại của các samurai, nền phong kiến Nhật Bản đầy rẫy những câu chuyện về sự phản bội và trả thù trong các gia tộc, những mưu đồ chính trị hay sự trỗi dậy và sụp đổ của những đế chế. Đó là lý do vì sao ông Fujiwara no Kiyohira, người sống ở vùng Tohoku phía Đông Bắc Nhật Bản từ năm 1056-1128, lại được ngưỡng mộ một cách đặc biệt.
Làng Hiraizumi, vùng đất Phật giáo thần tiên của Nhật Bản
Mặc dù mất cả cha, vợ và con cái do bị phản bội, ông Fujiwara vẫn quyết không đi theo con đường trả thù hay chiến tranh mà sử dụng khối tài sản to lớn cho mục đích hòa bình.
Chọn điểm dừng chân là ngôi làng Hiraizumi, ông cống hiến những năm tháng cuối đời bằng cách tạo ra một thiên đường Phật giáo trên Trái Đất, nơi linh hồn của đồng minh hay kẻ thù, của cả con người lẫn động vật, có thể tìm thấy sự an ủi và sống hòa hợp cùng nhau.
Ngay cả con trai và cháu trai của ông Fujiwara cũng đều giúp sức trong việc xây dựng thêm nhiều khu vườn, đình và chùa, giúp danh tiếng của làng Hiraizumi vượt ra khỏi địa phận Nhật Bản và vang xa tận Trung Quốc. Điều đáng buồn là câu chuyện đẹp cũng kết thúc từ đây.
Vào năm 1189, sau 100 năm thanh bình dưới sự trông coi của 3 thế hệ nhà Fujiwara, vùng đất lành của Phật giáo bị lãnh chúa Minamoto no Yoritomo tấn công để ông ta có thể trở thành một shogun (tướng quân) và thiết lập chế độ độc tài quân sự của mình ở Kamakura, một thị trấn khá gần với thủ đô Tokyo hiện nay.
Trong những thế kỷ tiếp theo, sự bỏ bê và những vụ hỏa hoạn đã tàn phá các căn nhà gỗ tuyệt đẹp của Hiraizumi. Dù vậy, những thành tựu của gia tộc Fujiwara có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Nhật Bản và chưa bao giờ phai nhạt trong trí tưởng tượng của người dân. Tòa Phật đường Vàng, kiến trúc duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn kể từ thế kỷ 12, được xem là một trong những tòa nhà quan trọng nhất Nhật Bản.
Thị trấn bé nhỏ, thú vị với khoảng 8.000 người sinh sống này chỉ có một số ít các nhà trọ và cửa hàng quà lưu niệm. Nó bé đến mức các du khách có thể đi bộ, đạp xe hay nhảy lên một chiếc xe buýt du lịch là có thể trải nghiệm gần hết các cảnh đẹp.
Tuy nhiên, nếu vội vã khám phá làng Hiraizumi, sẽ rất khó để tận hưởng không khí thanh bình và trong sạch mà gia tộc Fujiwara đã cất công tạo ra.
Đó là vì những gì quý giá nhất còn sót lại từ thời hoàng kim của Hiraizumi đã trôi xa đến 900 năm, vậy nên cách duy nhất để tận hưởng cảnh sắc nơi đây là mường tượng ra những hình ảnh từ thuở sơ khai và để cho linh hồn của Hiraizumi bộc lộ sự mê hoặc của riêng nó.
Cổng vào Chùa Chusonji, Nhật Bản
Chùa Chusonji
Quần thể kiến trúc Hiraizumi do dòng họ Fujiwara xây dựng vào khoảng thế kỷ XII. Nổi bật trong quần thể kiến trúc này là ngôi chùa Chusonji, được xây dựng dưới thời của lãnh chúa Fujiwara no Kiyohira. Ngôi chùa hiện còn tồn tại 17 tòa kiến trúc bao gồm khu Chánh điện và các công trình phụ cận.
Cách đây khoảng 900 năm, Hiraizumi là nơi duy nhất có sự phát triển được ví ngang tầm với thủ đô Heian-kyo của Nhật Bản, tức thành phố Kyoto ngày nay. Hiraizumi nổi tiếng với nhiều ngôi chùa ẩn mình giữa những khu vườn tuyệt đẹp với cây cối xanh mát.
Điện thờ Konjikido đẹp mê hoặc lòng người vào mùa thu và đông
Quần thể kiến trúc đền đài, chùa chiền, vườn cây và các di tích khảo cổ trước đây do dòng họ này dựng lên đã giúp Hiraizumi được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 6/2011.
Chùa Chuson-ji là một trong những di sản văn hóa ở Hiraizumi. Điện thờ Konjiki-do thể hiện đỉnh cao sự tinh xảo của các thợ thủ công tài hoa và nhắc đến một truyền thuyết kể rằng, Nhật Bản là đất nước của những kho vàng. Toàn bộ phần kết cấu của điện thờ Konjiki-do, trừ phần mái, được làm từ vàng nguyên chất. Những họa tiết trang trí bằng vàng và hoa văn khảm xà cừ tạo nên vẻ tráng lệ cho điện thờ. Đây là một trong các kiến trúc kiệt tác của thế kỷ thứ XII ở Nhật Bản và là một trong số ít công trình Phật giáo bọc vàng đẹp nhất, lộng lẫy nhất trên thế giới.
Chùa Chusonji
Ban đầu, chùa Chusonji do một nhà sư xây dựng vào giữa thế kỷ thứ IX. Đây là kiến trúc quan trọng của giáo phái Phật giáo Tendai ở vùng Tohoku, phía đông bắc Nhật Bản. Đến đầu thế kỷ XII, ngôi chùa trải qua đợt đại trùng tu do lãnh chúa Kiyohira tiến hành, kéo dài suốt 21 năm. Khi hoàn tất, chùa Chusonji trở thành một khu phức hợp tôn giáo với 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ.
Đường lên chùa Chusonji là một con đường tuyệt đẹp mang tên Tsukimi-zaka, có nghĩa là "Đường ngắm Trăng", chạy dài khoảng 800 mét. Hai bên đường là hai hàng cây tuyết tùng lớn. Gần chùa Chusonji là công trình điện thờ Konjikido tọa lạc trên một ngọn đồi thấp. Chusonji, được biết đến là điện Konjikido. Điện thờ được xây dựng trong 15 năm, hoàn tất vào năm 1124. Kiến trúc thiết kế theo dạng hình vuông, mỗi cạnh dài 5,5m, cao 8m.
Ngày nay, du khách có thể khám phá sảnh chính dành cho các dịch vụ và nghi lễ hay thăm bảo tàng kho báu, nơi lưu giữ hơn 3.000 Kho báu Quốc gia và Những Tài sản Văn hóa Quan trọng, bao gồm các tượng Phật và đồ tùy táng của những lãnh chúa Fujiwara.
Điện thờ Konjikido
Tuy nhiên, kiến trúc duy nhất còn giữ được sự nguyên vẹn từ thời Fujiwara chính là Phật đường Vàng (Konjikido), được hoàn thành vào năm 1124. Được xây dựng từ gỗ đàn hương đỏ và mạ bằng vàng lá, Phật đường Vàng là nơi thờ cúng Phật A Di Đà, vị Phật chính của Tịnh độ tông. Tất cả những bức tượng Phật cùng chim muông, hoa lá đều được sắp xếp để tái hiện khung cảnh của cõi Tây Phương Cực Lạc.
Phật đường vàng
Điện thờ Konjikido
Phía trong Phật đường Vàng còn là nơi an nghỉ của xác ướp từ 4 đời nhà họ Fujiwara. Và như vậy, thi thể của họ và những huyền thoại về Hiraizumi được bảo toàn nguyên vẹn ở vùng đất Tịnh độ tông của Phật giáo trong suốt hàng thế kỷ qua.
Theo NLD