Khoảng 8.000 năm trước, khắp nơi ở Sahara đều có hồ nước và đây là một "thiên đường xanh" với cư dân đông đúc. Vậy tại sao Sahara ngày nay lại trở thành sa mạc khô cằn, vắng vẻ.
Sa mạc Sahara trước đây là một vùng đất xanh tươi màu mỡ.
Đài phát thanh Sputnik dẫn nguồn từ kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ thuộc Đại học Quốc gia Seoul đưa tin, trước đây Sahara là một thiên đường xanh mát với dân cư đông đúc. Tuy nhiên, chính bàn tay con người đã biến vùng đất đó trở thành sa mạc luôn khô cằn, vắng vẻ.
Trong những năm gần đây việc tìm ra nguyên nhân khiến đồng cỏ Sahara biến mất và thay vào đó là vùng đất khô nóng luôn là đề tài thu hút của nhiều chuyên gia nghiên cứu.
Tính đến thời điểm hiện tại, giả thuyết hợp lý nhất mà được các nhà khoa học đưa ra là cách đây 8.000 năm đã xảy ra sự kiện biến đổi khí hậu do sự thay đổi độ nghiêng trục quay và quỹ đạo của Trái Đất.
Song với kết quả mới nhất được nhà khảo cổ David Wright công bố trên tạp chi Khoa học Trái Đất, ông khẳng định chính các hoạt động của người cổ mới khiến Sahara khô cằn đi.
Cũng trong khoảng thời gian cách đây 8.000 năm, con người trải qua thời kỳ Cách mạng thời kỳ đồ đá mới – kết quả tất yếu từ khi ngành nông nghiệp được khai sáng.
Con người xây dựng nông trại, thuần hóa vật nuôi, cho phép gia súc gia cầm ăn thực vật trên khắp vùng Sahara. Quá trình phát triển nông nghiệp ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái. Cây cối không còn, hệ số phản chiếu (lượng ánh sáng mặt trời phản chiếu lên bề mặt trái đất) tăng lên, từ đó ảnh hưởng tới điều kiện khí hậu, làm giảm lượng mưa khu vực và nhiệt độ cũng tăng cao lên.
Ông Wright tin rằng: “Vào hồi đó, khắp mọi nơi tại Sahara đều có hồ nước, và chúng sẽ là là ‘chứng nhân lịch sử’ ghi nhận sự thay đổi của đời sống hệ thực vật khu vực. Chúng ta cần đào sâu xuống các hồ nước này để tìm kiếm bằng chứng, xem người cổ xưa đã làm gì. Công việc của các nhà khảo cổ, các nhà sinh thái là ra ngoài hành động, thu thập dữ liệu và tạo dựng mô hình khí hậu.
Theo Hồng Hạnh (Tin tức/TTXVN)