1/09, 1:49 pm Làng quê cuối cùng của Singapore

Bà Mui Hong, một người dân trong làng
Bà Mui Hong, một người dân trong làng Kampong Buangkok. Ảnh: IHT.

Rất ít người dân Singapore biết đất nước họ vẫn còn một làng nhỏ nằm giữa các tòa nhà chọc trời và chỉ cách đường cao tốc 180 mét. Tại đây người ta có thể nghe chim hót líu lo và xem thằn lằn đuổi nhau trong các vườn cây.

Với vỏn vẹn 28 ngôi nhà trong một khu vực có diện tích tương đương 3 sân vận động, Kampong Buangkok là làng quê cuối cùng của Singapore. Nhiều người coi đó là nơi bị lãng quên trong sự phát triển vũ bão của quốc gia – thành phố này.

Tuy nhiên, Kampong Buangkok sẽ không tồn tại lâu nữa. Chính phủ Singapore đã lên kế hoạch xây dựng lại ngôi làng để người dân nơi đây có thể tận hưởng những thành quả mà nền văn minh đô thị mang tới. Kế hoạch sẽ được tiến hành trong tương lai gần.

Theo tiếng của dân bản xứ, Kampong nghĩa là làng, và cũng là một lối sống truyền thống mà Singapore bỏ lại phía sau.

Rodolph de Koninck, một giáo sư địa lý của Đại học Montreal (Canada), từng viết một cuốn sách nói về sự thay đổi của Singapore trong nửa thế kỷ qua. Ông nói: “Sự thay đổi lớn bắt đầu từ nửa đầu thập niên 60. Sau nhiều thập kỷ, vùng nông thôn nhiệt đới ấy lột xác hoàn toàn, trở thành một trong những đô thị phát triển và năng động bậc nhất thế giới”.

Giờ đây khoảng 90% dân số Singapore sống trong những ngôi nhà mà chính phủ xây dựng. Phần lớn người dân từng chuyển chỗ ở ít nhất một lần để phục vụ cho sự phát triển của thành phố.

“Hầu như mọi thứ đều được xây dựng lại. Ngay cả những khu phố mọc lên từ thập niên 60 và 70 cũng bị phá sập để nhường chỗ cho những tòa nhà mới”, Rodolph de Koninck nói.

Khi cha của Mui Hong, một phụ nữ 55 tuổi, mua mảnh đất tại Kampong Buangkok vào năm 1956, đó là một nơi thôn dã như vài trăm làng khác tại Singapore. Chẳng ai đoán Kampong Buangkok sẽ trở thành làng quê cuối cùng của đất nước.

Theo kế hoạch tái thiết, Kampong Buangkok sẽ trở thành một nơi có nhiều tòa nhà cao tầng, trường học, siêu thị, công viên và nhiều công trình khác.

Mui Hong lớn lên tại Kampong Buangkok và nhiều người bạn thiếu thời của bà vẫn ở lại làng. Tại Singapore, số người chưa từng chuyển chỗ ở như bà chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Dân làng ví những vườn hoa và cây ăn quả trong làng như các sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Họ vẫn trồng những loại cây đặc trưng của vùng quê nhiệt đới như khoai lang, đu đủ, sắn dây, tre, dâm bụt, đỗ tương. Rắn và thằn lằn vẫn thản nhiên trườn trong các vườn cây.

Các tòa nhà chọc trời bao vây Kampong Buangkok từ mọi phía và dân làng có thể nhìn thấy chúng qua các tán cây. Chúng tượng trưng cho tương lai của họ. Theo luật pháp Singapore, chính phủ có thể mua đất của dân vào bất cứ lúc nào. Mui Hong đã chuẩn bị rời khỏi ngôi nhà từ lâu.

Bà nói: “Nếu chính phủ muốn lấy đất, chúng tôi sẽ giao cho họ. Khi việc đó xảy ra, có lẽ tôi sẽ chẳng còn bạn bè để mà trò chuyện nữa”.

Singapore rất cần đất để tiếp tục phát triển. Năm 1960 đất nước này có 1,6 triệu dân, nhưng con số đó tăng lên 4,8 triệu vào năm 2008. Hiện tại Singapore là nước có mật độ dân số dày đặc nhất hành tinh. Giới chức ước tính dân số sẽ tăng thêm 40% vào giữa thế kỷ 21, tức 6,5 triệu người.

Mah Bow Tan, Bộ trưởng Phát triển quốc gia của Singapore, từng phát biểu: “Chúng tôi phải sử dụng hợp lý từng tấc đất, kể cả không gian bên dưới lòng đất”.

Năm 1957 diện tích đất của Singapore là 581 km vuông. Nhưng kể từ đó, với hàng triệu tấn đất đổ xuống biển, diện tích đất của quốc gia này đã tăng lên 775 km vuông.
Rất ít người tại Singapore biết rằng Kampong Buangkok vẫn tồn tại và chỉ cách một đường cao tốc 180 mét.

Ho Why Hong, một tài xế taxi 50 tuổi từng sống ở Kampong Buangkok, nói: “Tôi chẳng biết làm thế nào để những đứa con hiểu khái niệm làng quê, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Mọi ngôi làng đều đã bị san phẳng. Khi tôi còn bé mọi người không khóa cửa nhà khi ra ngoài. Gia đình tôi biết tất cả dân làng và tin tưởng họ. Nếu có chuyện mất cắp thì thủ phạm chắc chắn là người ngoài làng. Nhưng mỗi khi có người lạ vào làng chúng tôi có thể phát hiện được ngay”.

Trong xã hội Singapore hiện đại, rất ít người biết rõ láng giềng của họ. Sarimah Cokol, 50 tuổi, từng lớn lên ở Kampong Buangkok và hiện sống trong một căn hộ mà chính phủ cấp. Nhiều người dân Singapore gọi những căn hộ như vậy là “chuồng chim câu”.

Sarimah kể về cuộc sống đô thị của bà như sau: “Mở cửa, ra khỏi nhà rồi đóng cửa để đi làm. Sau khi hết việc thì lại mở cửa, vào nhà rồi đóng cửa. Ngày nào cũng vậy và năm nào cũng thế. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy hàng xóm khi họ đi ngang qua, nhưng không dám hỏi han vì chẳng biết chút thông tin nào về họ”.

Minh Long (Theo IHT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *